Lịch sử thăng trầm của khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ để lại cho hậu thế những công trình kiến trúc độc đáo mà còn nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý giá. Qua đó minh chứng về một thời kỳ phát triển vàng son của vương quốc cổ Champa trên vùng đất này.
Những phát hiện
Ngày 24.7, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL đề nghị đơn vị này làm thủ tục gửi các cấp ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia với hiện vật Đài thờ Mỹ Sơn A10.
Đây chỉ là động thái tiếp theo của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn khi phát hiện đài thờ này vào năm 2020 khi thực hiện dự án tu bổ nhóm tháp A (trong khuôn khổ Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A giai đoạn 2016 – 2021 do chính phủ Ấn Độ tài trợ).
Cùng với việc phát hiện bảo vật quốc gia Ekamukhalinga năm 2012, việc phát hiện Đài thờ Mỹ Sơn A10 một lần nữa minh chứng cho những bí ẩn vẫn còn nằm dưới lòng thung lũng Mỹ Sơn cũng như các vùng phụ cận.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho rằng, với quy mô và vai trò của Mỹ Sơn, giả thuyết về những báu vật của vương quốc cổ Champa từng hiện diện trong lịch sử là hoàn toàn có cơ sở. “Đây là điều bí ẩn cần được tiếp tục nghiên cứu” - ông Khiết nói.
Thực tế cho thấy, sau mỗi dự án tại Mỹ Sơn đều phát hiện những hiện vật có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật.
Nếu như tại dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G (2003 - 2013) hàng trăm hiện vật bằng đất nung như gỗng Hamsa, đầu thú, tai trang trí có khắc chữ… được phát lộ, thì tại dự án bảo tồn các nhóm tháp K,H,A, sau 5 năm triển khai, ngoài việc trùng tu thành công các di tích, các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ cũng đã thu nhặt được rất hiện vật như tượng sư tử, văn bia, chóp tháp… Đặc biệt, tái phát hiện Đài thờ A10 (từng được người Pháp nhắc đến trong những năm đầu thế kỷ 20).
Bí ẩn chưa phát lộ
Trong số 215 bảo vật quốc gia được Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL) công nhận từ năm 2012 đến nay thì hiện vật thuộc văn hóa Champa chiếm khoảng 29 bảo vật, hầu hết phát hiện tại các tỉnh miền Trung.
Riêng tại Quảng Nam khoảng 9 bảo vật quốc gia liên quan đền văn hóa Champa đã được công nhận bao gồm: tượng Phật Đồng Dương, tượng nữ thần Devi, tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Ekamukhalinga, đầu tượng thần Shiva, Đài thờ Đồng Dương, tượng Ganesha. Trong đó 3 bảo vật có xuất xứ từ khu đền tháp Mỹ Sơn là Đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Ganesha và Ekamukhalinga.
Nếu như Đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Ganesha được người Pháp phát hiện vào những năm đầu thế kỷ 20 (1903) thì Ekamukhalinga chỉ mới được phát hiện và công nhận bảo vật quốc gia tháng 1.2015.
Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng – Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam (nguyên PGS.TS Viện Khảo cổ học), việc UBND tỉnh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với Đài thờ Mỹ Sơn A10 là xứng đáng và kịp thời bởi đây không chỉ là hiện vật độc bản và còn đảm bảo các giá trị về mỹ thuật và kỹ thuật độc đáo được thể hiện ở các chốt gắn, chứng tỏ người Chăm xưa có thờ những hiện vật bằng kim loại quý mà văn bia Mỹ Sơn từng ghi lại, nhưng vì chiến tranh và các yếu tố xã hội nay đã mất hoặc thất lạc.
“Văn bia tại tháp C7 (xây dựng năm 617) ghi lại là vua Champa đã phủ các bệ thờ bằng vàng nên chúng ta hoàn toàn khẳng định có những kim loại quý ở Mỹ Sơn. Điều này cũng đã được minh chứng trong đợt khai quật khảo cổ tháp của người Pháp (năm 1902) khi phát hiện được một bộ trang trí bằng vàng trong lòng tháp C7” - nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng dẫn giải.
Đặc biệt, dù một số tài liệu người Pháp để lại có đề cập việc khai quật các đền tháp Mỹ Sơn như E1, G1 nhưng hầu như tài sản tìm được không được công bố, trong khi hố thiêng thường là nơi để những hiện vật quý bên trong.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng, với các yếu tố như hiện vật (đã tìm được), văn bia có ghi và dấu vết kỹ thuật trên các hiện vật, chứng tỏ Mỹ Sơn từng sở hữu rất nhiều hiện vật quý trong lịch sử mà hậu thế chưa biết được.
“Đài thờ Mỹ Sơn A10 hay Ekamukhalinga chỉ là những kiệt tác nghệ thuật ít ỏi mà chúng ta phát hiện được ở Mỹ Sơn, chắc chắn sẽ còn nhiều hiện vật quý khác, có thể bằng kim loại quý như đồ trang trí, vật trang sức, kể cả mặt nạ bằng vàng của Ekamukhalinga… nhưng chúng vẫn chưa thể tìm thấy, tiếp cận được” - ông Lê Đình Phụng chia sẻ.
Theo tư liệu của người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 khu di tích Mỹ Sơn có khoảng 70 công trình đền tháp, niên đại từ thế kỷ 7 – 13 (công trình xây dựng cuối cùng ở Mỹ Sơn là tháp B1, khoảng năm 1226). Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh tàn phá, số đền tháp còn lại hiện nay chỉ khoảng 30 công trình (kể cả mới được trùng tu những năm gần đây), hầu hết không nguyên vẹn.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, một số dự án bảo tồn Mỹ Sơn bắt đầu được triển khai, qua đó không chỉ trùng tu, gia cố vững chắc các kiến trúc mà còn giúp phát hiện thêm nhiều hiện vật bằng sa thạch, đất nung… có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cao. Nổi bật nhất là bảo vật Ekamukhalinga (phát hiện 2012) và bây giờ là Đài thờ Mỹ Sơn A10. Dự kiến, Đài thờ Mỹ Sơn A10 sẽ được Hội đồng giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Bộ VH-TT&DL) xét duyệt công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021.
Nguồn: Báo Quảng Nam
13 Tháng 9,2021
Chia sẽ mạng xã hội
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)
- PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI MỸ SƠN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN – KẾT NỐI DU LỊCH XANH (05.11.2024)
- TEAMBUILDING ĐOÀN KẾT - NĂNG ĐỘNG - SÁNG TẠO CÙNG CĐCS BQL DSVH MỸ SƠN (17.10.2024)