Vừa qua, ngày 19-6, đoàn công tác Cục Di sản Văn hóa đã có buổi làm việc tại Khu di tích Mỹ Sơn về dự án trùng tu do Ấn Độ thực hiện. Tham dự buổi làm việc có Tiến sỹ Trần Đình Thành – Cục phó Cục Di sản Văn hóa, cùng có chuyên gia PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng di sản, TS Lê Đình Phụng- chuyên gia khảo cổ. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Danh thắng (thuộc Sở VHTTDL Quảng Nam), lãnh đạo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, nhóm chuyên gia ASI thuộc Viện Khảo cổ Ấn Độ.
Nội dung buổi làm việc của Cục Di sản Văn hóa là nhằm lắng nghe báo cáo kết quả công tác trùng tu nhóm tháp A thuộc dự án Ấn Độ, trong đó có việc phát hiện bộ linga-yoni liền khối lớn nhất Việt Nam, những kiến nghị đề xuất về giải pháp xử lý nhằm bảo quản hiện vật trong quá trình trùng tu, khai quật.
Ông Jalihal Ranganath - Trưởng nhóm công tác bảo tồn thuộc dự án trùng tu Ấn Độ đã báo cáo công tác thực hiện dự án, việc áp dụng các kỹ thuật trong trùng tu di tích, những kết quả đạt được trong suốt quá trình triển khai, sự hỗ trợ giữa các bên trong thực hiện dự án.
Về việc phát hiện bộ linga-yoni liền khối tại tháp A10, TS. Lê Đình Phụng đưa ra những nhận định ban đầu khi cho rằng trong hệ thống các linga-yoni của di tích Chăm hiện nay, chưa có bệ thờ nào hoàn chỉnh liến khối có kích thước lớn như phát hiện lần này, bộ linga-yoni này cho thấy thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ IX, trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa. Qua nghiên cứu ban đầu có thể khẳng định việc thi công bộ linga-yoni này các nghệ nhân đã tiến hành song song việc xây tháp và dựng tượng cùng thời gian. Tiến sỹ Phụng đánh giá phát hiện này có đóng góp lớn trong quá trình nghiên cứu văn hóa lịch sử điêu khắc Mỹ Sơn nói riêng và lịch sử nghệ thuật Champa nói chung nên cần được xác lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia.
Giải đáp kiến nghị của Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn về việc có các giải pháp bảo quản hiện vật, theo các chuyên gia cần thiết phải trả về đúng vị trí ban đầu, có kế hoạch bảo quản và phát huy giá trị phục vụ du lịch.
Kết thúc buổi làm việc, Tiến sỹ Trần Đình Thành – Cục phó cục Di sản Di sản đánh gía cao kết quả hợp tác trùng tu giữa các đơn vị liên quan, cho rằng việc tiến hành trùng tu của dự án Ấn Độ diễn ra đúng khoa học, việc phát hiện hiện vật liga-yoni có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn di tích Mỹ Sơn hiện nay và phục vụ cho phát triển du lịch, thu hút khách trong thời gian tới. Việc xử lý hiện vật sẽ được thực hiện trong thời gian tới khi có báo cáo nghiên cứu đánh giá đầy đủ.
Văn Khoa
23 Tháng 6,2020
Chia sẽ mạng xã hội
- LỄ KỶ NIỆM 25 NĂM KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI (4/12/1999 – 4/12/2024) (04.12.2024)
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)