Bờ Nam hạ lưu sông Thu Bồn là vùng đất thuộc huyện Duy Xuyên ngày nay. Chỉ là dải đất hẹp nhưng là nơi còn lưu giữ những di sản quan trọng nhất của nền văn minh Champa. Những di sản này mang những giá trị tiêu biểu nhất về cảnh quan văn hoá, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Champa.
Không gian văn hoá rất đặc trưng của Champa
Bờ Nam sông Thu Bồn từng là không gian sinh tồn của nhiều lớp cư dân từ thời kim khí cho đến nay. Dòng chảy lịch sử không ngừng đó đã bồi tụ và để lại nhiều di sản rất đa dạng, phong phú từ văn hoá Sa Huỳnh, Champa cho đến Đại Việt. Đáng chú ý nhất là những di sản vật thể từ thời Lâm Ấp cho đến Champa[1]. Cho đến nay, trên vùng đất Duy Xuyên đã có 11 di tích được ghi danh, xếp hạng. Trong số đó, Mỹ Sơn là di tích quốc gia đặc biệt và là di sản văn hoá thế giới, di tích cấp quốc gia thành cổ Trà Kiệu và 09 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh những di tích được xếp hạng, quá trình khảo sát đã ghi nhận hơn 20 địa điểm khảo cổ học có vết tích văn hoá Champa tại huyện Duy Xuyên. Hầu hết ở dạng phế tích, phân bố trên nhiều địa hình như ở vùng núi, đồng bằng, ven sông, suối và cảng thị ven biển. Với nhiều loại hình như thành quách, địa chỉ cư trú, tổ hợp kiến trúc đền tháp, giếng nước, văn khắc, bia ký hay thương cảng ven biển. Các phế tích tập trung nhiều ở thung lũng Mỹ Sơn, khu vực Thành cổ Trà Kiệu và thung lũng Chiêm Sơn. Tất cả các di tích nằm trong không gian của một tiểu quốc được thành lập dựa vào sông Thu Bồn với núi, sông, trung tâm tín ngưỡng, kinh thành và cảng thị. Chỉ một bên bờ Nam, nhưng vùng đất này là nơi sở hữu và hình thành những trung tâm quan trọng nhất của vùng tiểu quốc Amaravati như trung tâm tín ngưỡng Ấn giáo Mỹ Sơn, kinh thành cổ Trà Kiệu, núi thiêng Hòn Đền/Mahaparvata, sông Thu Bồn, cảng thị Trung Phường, Cửa Đại và Cù Lao Chàm. Dựa vào mô hình được Cố GS Trần Quốc Vượng khái quát hoá về các tiểu quốc Champa gồm thánh địa - thành luỹ - cảng thị - đảo ven biển. Thì vùng hạ lưu sông Thu Bồn như một mô hình tiêu biểu nhất nằm giữa núi và biển với Mỹ Sơn – Trà Kiệu – Cửa Đại - Cù Lao Chàm.
Dấu ấn lịch sử sớm nhất, lâu dài và liên tục nhất của di sản Champa
Khảo cổ học trong hơn 125 năm qua cho thấy, trên nền tảng văn hoá Sa Huỳnh, vùng đất Duy Xuyên có lịch sử liên tục trong giai đoạn tiền Lâm Ấp từ thế kỷ 1- 2 Công Nguyên cho đến Champa (thế kỷ 15). Dấu vết định cư sớm được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ Gò Cấm (xã Duy Trung) qua phát hiện ngôi nhà cháy, ngói, bình hình trứng và nhiều hiện vật khác có niên đại từ khoảng giữa đến cuối thế kỷ 1 Công Nguyên. Trà Kiệu cách Gò Cấm chưa đầy 3 km về hướng Tây Bắc, là khu vực hình thành sớm nhất nhà nước sơ khai Lâm Ấp. Từ các điểm khai quật, các lớp văn hoá tại Trà Kiệu phát triển liên tục từ đầu thế kỷ 2 đến thế kỷ 5 và muộn hơn. Bên cạnh đó, các văn khắc và bia ký sớm nhất cũng tìm thấy trên đất Duy Xuyên. Trong khi bia Võ Cạnh (Khánh Hoà) vẫn còn nhiều tranh cãi về niên đại cũng như chủ nhân của tấm bia này thì tại Duy Xuyên đã phát hiện nhiều văn khắc và bia ký có niên đại rất sớm. Những văn khắc (ký tự dạng “đầu hộp”) có niên đại từ thế kỷ thứ 4 như bia Đông Yên Châu, Chiêm Sơn, Hòn Cụp và bia C.72 Mỹ Sơn. Bia Đông Yên Châu là văn bia sớm nhất nhắc đến tiếng Chăm cổ, bia C.72 là bia đầu tiên nhắc đến việc xây đền thờ thần Shiva ở Champa bởi vua Bhadravarman, Chiêm Sơn là văn khắc ven sông sớm nhất nhắc đến địa giới của khu vực thờ Ấn giáo. Tiếp đó là hàng loạt các văn khắc, hiện vật, kiến trúc tại di tích Trà Kiệu, Mỹ Sơn, thung lũng Chiêm Sơn Tây đã cho niên đại liên tục cho đến giữa thế kỷ 15 qua văn bia có ký hiệu C 215 niên đại năm 1444. Có thể nói, các dấu mốc lịch sử sớm nhất, lâu dài và liên tục nhất của Champa được minh chứng rất cụ thể bên bờ Nam sông Thu Bồn từ thế kỷ 1 Công Nguyên đến thế kỷ 15.
Dấu ấn của kiến trúc nghệ thuật
Kiến trúc nghệ thuật cũng là dấu ấn quan trọng của Champa ở bờ Nam sông Thu Bồn. Kiến trúc sớm nhất dưới thời Lâm Ấp được tìm thấy tại thành Trà Kiệu. Với kỹ thuật xây thành xung quanh đô thị bằng tường gạch có từ nửa sau của thế kỷ 3 Công Nguyên (theo phân tích mẫu than từ hố khai quật thành Đông) đến đầu thế kỷ thứ 4. Thành Trà Kiệu là một trong những kiến trúc sớm nhất hiện còn ở Champa. Kết cấu thành dài khoảng 1400m x rộng khoảng 500m, chân thành rộng khoảng 30m, cao khoảng 2m50. Hai bên thành được gia cố bằng tường gạch, ở giữa lấp đầy bằng đất. Thành được gia cố và tu sửa ở những thế kỷ sau đó. Nằm về phía Tây của Thành Trà Kiệu là thung lũng Chiêm Sơn Tây, nhiều dấu vết kiến trúc quan trọng cũng dần được phát hiện. Tại di tích Gò Lồi vẫn còn nhìn thấy một Mandapa có hệ thống cột đá ong duy nhất của kiến trúc Champa cho đến nay. Di tích Triền Tranh phát hiện một khu kiến trúc dân dụng rộng lớn gồm nhà cửa, giếng nước… nhằm phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo của tầng lớp quý tộc tăng lữ, là khu kiến trúc phục vụ tôn giáo đầu tiên được phát hiện trong kiến trúc Champa. Về phía Tây chưa đầy 13 km là khu đền tháp Mỹ Sơn. Kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn cũng có lịch sử xây dựng sớm nhất ở Champa (vào khoảng thế kỷ 4). Kiến trúc hiện còn ở Mỹ Sơn có niên đại khoảng thế kỷ 7-8 đến thế kỷ 13. Các kiến trúc được xây dựng, tu sửa liên tục và mang hầu hết các dấu ấn kiến trúc Champa. Các phong cách kiến trúc Champa từ nghệ thuật cổ với kiến trúc và điêu khắc tại đền E1, cho đến thời kỳ đỉnh cao với kiệt tác kiến trúc Mỹ Sơn A1, và tiếp tục cho đến ngôi đền gạch cuối cùng ở Khu H vào cuối của phong cách Bình Định thế kỷ 13. Dấu ấn kiến trúc và điêu khắc mang đậm tinh thần Ấn giáo tại Mỹ Sơn đại diện tiêu biểu nhất của nền điêu khắc và kiến trúc Champa. Đồng thời phản ảnh sự tiến triển liên tục của kiến trúc và nghệ thuật trong một trung tâm Ấn giáo phát triển gần 10 thế kỷ tại thung lũng Mỹ Sơn.
Bảo tồn di sản
Tính quốc tế hoá trong công tác bảo tồn tại Duy Xuyên là điểm nổi bật nhất so với di sản Champa ở miền trung Việt Nam. Khu đền tháp Mỹ Sơn là di tích đầu tiên được ghi danh di sản thế giới bởi những giá trị nổi bật toàn cầu. Để có được ghi nhận đó là cả một quá trình dài nghiên cứu, khai quật và trùng tu di tích Mỹ Sơn. Trải qua nhiều biến cố lịch sử và tác động của tự nhiên trong rừng sâu. Các chuyên gia từ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) và Việt Nam đã phát hiện, khai quật và bảo tồn trong gần 40 năm đầu của thế kỷ 20. Tuy nhiên nội và ngoại chiến đã làm gián đoạn công tác bảo tồn, đẩy di tích Mỹ Sơn một lần nữa bị bỏ hoang và chịu sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên và chiến tranh. Tuy nhiên với những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn, từ sau chiến tranh năm 1975, khi phối hợp với chuyên gia Ba Lan mà tiêu biểu là Cố Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik), di tích Mỹ Sơn được cứu vãn và phục hồi. Nỗ lực trước và sau chiến tranh đã góp phần đưa di tích Mỹ Sơn vào danh mục di sản thế giới năm 1999. Sau khi ghi danh, di sản Mỹ Sơn càng được chú ý hơn bởi các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài. Sự phối hợp giữa chuyên gia Việt Nam và Ý hơn 10 năm nghiên cứu và trùng tu nhóm tháp G, sáu năm với chuyên gia Ấn Độ trùng tu nhóm A, H và tháp cổng K. Tại di tích Trà Kiệu, các chuyên gia EFEO, mà chủ trì là Jean-Yves Claeys đã có cuộc khai quật Trà Kiệu trong hai năm 1927- 1928. Sau chiến tranh 1975, phần lớn các cuộc khai quật được tiến hành có sự phối hợp giữa chuyên gia Việt Nam với các chuyên gia quốc tế đến từ Anh, Nhật Bản. Chính giá trị của các phế tích khảo cổ Champa đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong nghiên cứu và bảo tồn. Sự đóng góp của họ trong 120 năm qua đã góp phần rất quan trọng trong nhận diện giá trị, bảo tồn và công bố quốc tế.
Duy Xuyên từng là không gian sinh tồn mà người Lâm Ấp cho đến Champa cổ mong muốn xây dựng và phát triển từ những thế kỷ đầu công nguyên. Những di sản tồn tại cho đến nay mang những giá trị đặc trưng và tiêu biểu nhất về cảnh quan văn hoá, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của vương quốc cổ Champa. Mặc dù tồn tại như những phế tích bị tác động nghiêm trọng thời gian và chiến tranh. Nhưng những nỗ lực bảo tồn trong đó có cộng đồng khoa học quốc tế đã góp phần rất quan trọng gìn giữ những di sản quan trọng bậc nhất của quốc gia bên bờ Nam hạ lưu sông Thu Bồn này.
[1] Tên Champa xuất hiện đầu tiên trên bia ký hiệu C.96 có niên đại năm 657/8. Tuy nhiên, bài viết này sử dụng chữ Champa bao hàm ý cả giai đoạn tiền Champa là Lâm Ấp bởi sự kế thừa và phát triển liên tục từ nhà nước sơ khai Lâm Ấp cho đến giai đoạn sau này là Champa trên vùng đất Duy Xuyên.
Văn Thọ
29 Tháng 8,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- LỄ KỶ NIỆM 25 NĂM KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI (4/12/1999 – 4/12/2024) (04.12.2024)
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)