Trên con đường tìm về cội nguồn văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa Champa luôn là mối quan tâm hàng đầu của các học giả trong và ngoài nước. Nhiều công trình trên các lĩnh vực lịch sử, kiến trúc, khảo cổ, mỹ thuật, tôn giáo…đã được công bố, đem lại hiểu biết khá toàn diện về một nền văn hóa giàu bản sắc, đầy truyền thống của một dân tộc trong cộng đồng đa dân tộc trên đất nước ta.
Văn hóa Champa được phân bố dọc theo dải đồng bằng ven biển Miền Trung và một số khu vực ở Tây Nguyên, trong đó Duy Xuyên là điểm trung tâm, kết quả phân tích một số mẫu gốm thô sớm ở các hố khai quật Trà Kiệu (trong tầng văn hóa) cho thấy trước khi vương quốc Lâm Ấp hình thành-Trà Kiệu đã có cư dân Chàm cổ sinh sống-xa hơn nữa là những di tích mộ chum văn hóa Sa Huỳnh như Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, Gò Bờ Rang…nhiều kiểu dáng mộ chum cùng các đồ tùy táng như bát bồng, nồi, ly, chén đĩa bằng gốm; công cụ sản xuất, vũ khí bằng đồng; đồ trang sức bằng mã não, thủy tinh, kim loại quý…đã được tìm thấy. Niên đại của các di tích này được xác định cách nay vào khoảng 2000-2600 năm.
Vào năm 192 sau Công Nguyên, Vương quốc Lâm Ấp đã được thành lập trên vùng đất của những chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh và cũng là Tiền thân của Vương quốc Champa, kinh đô đầu tiên của Vương quốc này là Simhapura đóng ở vùng Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chú thích: Simhapura: Simha: sư tử, pura: đô thành. Sinhapura là Phạn ngữ Sanskrit: Đô thành sư tử. Sử Trung Hoa phiên âm là Tăng ha bồ la. Theo Thư tịch cổ, kinh thành Simhapura được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV dưới triều vua Bhadravarman. Sách Thủy Kinh Chú {1} cho biết: “…Thành phố nằm phía Tây con sông, đó là kinh đô của nước Lâm Ấp, gọi là Điển Xung, cách bờ biển 40 hải lý, núi non bao bọc ở phía Tây - Nam, phía Đông - Bắc nhìn ra sông…có nhiều hồ nước bao bọc kinh thành..., chu vi thành đo được 8 lý và 120 bộ (tương đương 13.129m), thành cao 2 trượng (tương đương 4,87m)...Điện quay về hướng Đông…cao hơn quá 1,5 trượng, dùng phân bò trát, tường vách màu xanh.. Phi tầng ở chốn tiêu phòng, không có cung quán riêng. Đền thần tháp quỹ lớn nhỏ 8 miếu. Đài tọa nhiều tầng giống như tháp phật…”. Trong những cuộc chiến tranh xảy ra giữa vương quốc Champa với các nước phía Bắc như Trung Hoa và Đại Việt, kinh thành Simhapura nhiều lần bị tàn phá. Tuy vậy, nơi đây vẫn là trung tâm chính trị quan trọng của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ.
Di tích Trà Kiệu nằm trên một dải đồng bằng, là cửa của một thung lũng rộng hình tam giác, các ngọn núi: Chóp Xôi, Núi Đất…nối liền nhau tạo nên hai bức tường thành tự nhiên bảo vệ hai mặt Tây-Bắc và Đông-Nam của thung lũng. Làng mạc ở đây đông đúc dân cư, ruộng đồng tươi tốt. Vượt qua một dãy núi thấp phía Tây-Nam là đến thung lũng Mỹ Sơn-Thánh địa-nổi tiếng của Vương quốc Champa.
Những dấu vết của tường thành, đền tháp cùng những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng ở vùng Trà Kiệu đã khiến các học giả Pháp chú ý từ những năm cuối thập kỷ thế kỷ XIX. Năm 1899, Louis Finot tới thăm Trà Kiệu. Năm 1909, trong cuốn sách về An Nam (1909), Henri Parmentier mô tả khái lược về di tích này và Louis Finot cho rằng Trà Kiệu chính là thành cổ Simhapura, như đã được ghi chú trên một bia đá thế kỷ thứ 9 và 12, được phát hiện gần Mỹ Sơn (Finot 1904). Năm 1927-1928, J.Y.Claeys đã tổ chức khai quật với quy mô khá lớn. Toàn bộ nền móng của nhóm tháp phía Bắc trong nội thành (khu vực nhà thờ Nguyễn Trường ngày nay-Trong ký hiệu bản đồ khai quật của J.Y Claeys các điểm A,B,F) đã được phát hiện, cùng hàng chục điểm thám sát khác trong thành. Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá đã được tìm thấy. Trong đó có những đầu ngói mặt hề, niên đại vào thế kỷ 6 khá giống với ngói mặt hề Trung Quốc. Nhiều bản vẽ nghệ thuật về các tượng kiến trúc và ảnh chụp đã giúp J.Y Claeys khẳng định về khu vực Trà Kiệu ở thế kỷ 6 cho kinh thành và thế kỷ thứ 7 cho hai tấm bia tại điểm A Trà Kiệu. Với kết quả khai quật đó, C.Y Claeys đã phác họa được quy mô của tòa thành cổ, đồng thời củng cố dữ liệu để chứng minh được Trà Kiệu chính là kinh thành Sư Tử (Tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Champa Đà Nẵng đã trưng bày nhiều tượng thờ, đài thờ, các vật trang trí kiến trúc… của Trà Kiệu).
Sau năm 1975, khi làm nhà cửa và canh tác nhân dân trong vùng Trà Kiệu đã thu lượm được nhiều di vật bằng đá, đồ gốm gia dụng, vật liệu xây dựng từ trong thành Simhapura của Vương quốc Champa…sau đó được tập hợp thành bộ sưu tập hiện vật Chăm nổi tiếng tại nhà thờ Trà Kiệu, số khác được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa. Đây là công sức sưu tầm trong nhiều năm của một Linh mục và của các cán bộ phòng VHTT huyện Duy Xuyên góp phần minh chứng cho những diễn tiến qua nhiều giai đoạn lịch sử của kinh thành Simhapura.
Từ năm 1985 đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam trong chương trình hợp tác quốc tế Anh, Pháp, Nhật, Đức…đã có nhiều cuộc đào thám sát và khai quật tại Trà Kiệu. Kết quả nghiên cứu ở khu vực quanh đồi Bửu Châu cũng thu được nhiều loại hiện vật như gạch, ngói, nhiều đồ gốm gia dụng, đồ tế lễ của người Chăm cổ. Trong tầng văn hóa của lớp dưới cùng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được nhiều mảnh gốm Sa Huỳnh cùng với đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, kim loại quý…và nhiều mảnh gốm sứ Trung Hoa ở các lớp trên. Qua nghiên cứu phức hợp di vật ở Trà Kiệu, các nhà khảo cổ nhận định đã có sự giao lưu văn hóa giữa Champa với các nước khác, phía Nam với Ấn Độ, phía Bắc với Trung Hoa.
Năm 1990, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành cuộc khai quật tại Trà Kiệu. Hố khai quật có diện tích 3m x 4m, được mở ra ở rìa chân đồi phía Bắc Bửu Châu. Tại đây đã phát hiện gốm Chăm giai đoạn sớm và những mảnh gốm kiểu văn hóa Sa Huỳnh muộn, được xác định niên đại vào cuối thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 4. Gốm Trà Kiệu được đặc biệt chú ý trong cuộc khai quật này. Chúng gồm đồ gốm Hán và những Kendi theo phong cách Ấn Độ, đồng thời minh chứng cho nhận định văn hóa Chămpa là sự tiếp nối từ văn hóa Sa Huỳnh cùng với giao thoa văn hóa Ấn Độ đúng như tiến trình lịch sử Champa theo các phân đoạn: Văn hóa Sa Huỳnh 500 TCN-Thế kỷ I SCN, Hồ Tôn Tinh thế kỷ 1 TCN trở về trước; Lâm Ấp 192-757; Tượng Lâm 592-710; Hoàn Vương 757-859 hoặc 875; Chiêm Thành 859 hoặc 875–1471, Panduranga-Chăm Pa 1471-1697, Thuận Thành trấn 1697-1832 (thuộc Đại Nam-Đại Việt).
Năm 1993, Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH&NV Việt Nam) hợp tác với Viện Khảo cổ học London, Anh (trực tiếp là GS Ian Glover) thực hiện cuộc khai quật tại Trà Kiệu nhằm tìm hiểu sự nối tiếp văn hóa sớm/muộn, từ Sa Huỳnh đến Chămpa tại kinh thành đầu tiên của Vương quốc Chămpa. Kết quả cho thấy trong các lớp văn hóa xuất hiện nhiều sành sứ đời Tống (Trung Quốc) có niên đại từ cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 13. Dưới nền gạch, có nhiều than gỗ cháy cùng nhiều gạch vỡ, ngói và gốm có dấu vết bị cháy đổ. Nhiều nền móng của các công trình kiến trúc bị vùi sâu trong lòng đất cũng đã được tìm thấy, cùng với chúng là những mảng than tro dày và nhiều gạch Chăm bị cháy xém đen, dường như đây là dấu tích của sự đốt phá trong các cuộc chiến tranh xưa như Tấn Thư chép: năm 446, Đàn Hòa Chi đem quân đánh Trà Kiệu thu được vô số vật báu, riêng vàng đem nấu chảy từ các tượng đúc tinh xảo được 100.000 cân. Năm 605, tướng nhà Tùy là Lưu Phương đánh vào kinh thành Trà Kiệu, bắt đi nhiều tù binh, thu tại thư viện 1.350 văn kiện Phật giáo bằng “ngôn ngữ kunlun”, cướp 18 tượng thần chủ bằng vàng đang thờ trong các đền tháp (của 18 đời vua), khắc đá ghi công rồi về..”{2}.
Các đợt khai quật 1996, 1997, 1999 cho đến 2000 trên đất Trà Kiệu đã được thực hiện nhiều lần bởi các nhà khoa học, bao gồm GS Ian Glover, GS Yamagata Mariko, TS Ruth Prior, TS William Southworth, TS Nguyễn Kim Dung, NNC Nguyễn Chiều (ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Thị Tuyết, Ngô Thị Lan (Phòng VHTT huyện Duy Xuyên). Từ các cuộc khai quật, ngoài các hiện vật gốm, sứ, hạt chuỗi bằng thủy tinh, vàng, ngọc…còn thu được nhiều tác phẩm điêu khắc quan trọng gồm tượng thờ, tượng người nguyện, tượng thú như chim thần Garuda, rắn thần Naga, voi, sư tử. Nổi bật trong số đó là đài thờ Linga-Yoni có phần đế được chạm khắc cả 4 mặt với những biểu tượng về Vishnu rất tinh xảo.
Cách Trà Kiệu về phía Tây không xa thuộc thôn Chiêm Sơn xã Duy Trinh, hiện còn vết tích của 4 công trình kiến trúc đồ sộ, những di vật được tìm thấy bằng đá sa thạch, cùng gạch, ngói lộ thiên trên mặt đất và một công trình nhà dài bằng đá ong (Madapan) ở Gò Lồi là những bằng chứng cho thấy khu phế tích Chiêm Sơn Tây có qui mô rộng lớn, đây chắc chắn là khu vực ngoại vi có vai trò quan trọng đối với kinh thành Trà Kiệu. Trong Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi ở phân đoạn km21+800-km22+450 đi qua di tích Triền Tranh, từ cuộc thám sát thăm dò vào năm 2013 mở ra năm 2015 chính thức một cuộc khai quật với quy mô lớn, thu được nhiều kết quả bất ngờ, bổ ích cho việc nghiên cứu tổng thể khu phế tích. Báo cáo về cuộc khai quật này cho biết: “Từ giữa tháng 01/2015 đến tháng 7/2015, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam tiến hành khai quật trên diện tích 3.000m2. Các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện một số dấu vết kiến trúc Champa. Đặc biệt, đã làm xuất lộ 8 nền móng kiến trúc có bình đồ dạng ba gian…cùng nhiều hiện vật, như gạch, ngói, đồ gốm sứ, vật liệu trang trí…”{3}. Các chuyên gia khảo cổ đoán định, di tích Triền Tranh hình thành và phát triển trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XII-đầu thế kỷ XIII trong vai trò là những khu vệ tinh liên quan mật thiết đến Kinh thành Simhapura.
Ngày nay trên dọc các gò đồi ở xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân- Khu tây Duy Xuyên còn rất nhiều vết tích kiến trúc cùng với gạch, ngói Chăm. Đặc biệt khu Ao Vuông thuộc xã Duy Phú, người Chăm xưa đã từng lấy đất nơi đây để làm vật liệu xây dựng khu di tích Mỹ Sơn trong suốt thời gian dài; Năm 2009, TS Cao Đông Vũ - Phó Viện Trưởng, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, TS Nguyễn Kim Dung Viện khảo cổ Hà Nội cùng nhiều cộng sự trong đoàn đã lấy mẫu đất ở Ao Vuông và mẫu gạch Mỹ Sơn để phân tích kích hoạt nơtron về thành phần hóa học, kết quả trùng khớp với nhận định của các nhà khảo cổ: người Chăm xưa đã dùng nguồn nguyên liệu đất tại chỗ để sản xuất gạch, ngói…Đi ngược xuống phía Đông, tại chùa Thanh Lương (Trung Phường) xã Duy Hải, hiện đang lưu giữ hàng trăm di vật là những pho tượng Phật bằng nhiều chất liệu khác nhau, độc bình sứ, các loại bình, vò gốm…đây là những lễ vật cúng chùa của các thương nhân qua biển, hay vật mua bán, liên quan đến quá trình trao đổi để lấy nước ngọt. Quanh nền Vườn Chùa còn tìm thấy nền móng kiến trúc và rất nhiều gạch, ngói Chăm đổ nát rơi vãi.
Theo thư tịch cổ Trung Hoa, người Chăm rất giỏi đóng thuyền, thủy quân tinh nhuệ, nên họ đã xây dựng một binh chủng thủy quân và đội chiến thuyền lớn mạnh. Nhiều học giả cho rằng: có lẽ, cũng chính vì lý do đó mà trong lịch sử Chiêm Thành sớm bị lụi tàn hơn bởi bản chất hiếu chiến từ những cuộc lấn chiếm trên biển và tiến quân đánh phá các nước láng giềng.“Người Champa là một dân tộc đóng ghe bầu giỏi giang và truyền thống ghe bầu Champa khác truyền thống ghe bầu Nam Trung Quốc, đó là truyền thống ghe bầu Mã Lai có hội nhập những yếu tố văn hóa ghe bầu Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Champa có hàng trăm chiến thuyền có lầu (lầu thuyền) cũng lại có thương thuyền dài hơn 20 trượng (60m) cao hơn mặt nước hơn 2-3 trượng (6m) trông như nhà gác chở được 600 - 700 người, hàng vạn hộc sản vật...Thuyền buôn và thương nhân Hoa, Ấn, Ba Tư, Ả - Rập và thế giới Mã Lai (Nam Hải chư quốc) trong thư tịch Trung Hoa) khi đi và khi về đều ghé Champa để lấy nước ngọt và trao đổi/hàng hoá hai chiều…”{4}. Ngày nay vẫn còn nhiều vết tích của các dòng chảy cổ, đầm bàu, ruộng thổ…trong quá trình sản xuất, hay đào mương làm thủy lợi người dân địa phương ở xóm Thành, sân bóng Gò Dỗi Trà Kiệu (Duy Sơn), dọc bến An Lương, Trung Phường (Duy Hải) phát hiện thấy neo sắt, dây neo bằng gai, ván đóng thuyền, cột buồm….Những chứng tích trên cho thấy vai trò của cảng Trung Phường, cửa biển Đại Chiêm, Cồn Chăm Bàn Thạch, âu thuyền Duy Hải, cả hệ thống giếng Chăm và nhiều mộ cổ có văn bia của người ngoại quốc dọc theo cồn cát ven bến An Lương trong lịch sử Lâm Ấp xưa.
…Khi kinh đô Simhapura Trà Kiệu phát triển thịnh vượng. Đất đai rộng lớn, thần dân đông đúc, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4, Vua Bhadravaman II đã tiến chọn thung lũng Mỹ Sơn và xây dựng đền tháp thờ Thần tại đây có tên Bhadresvara (được kết hợp giữa tên của nhà Vua và tên của thần Shiva-Vị thần hủy diệt trong Ấn Độ giáo). Nếu sông Hằng là sông thiêng của Ấn Độ giáo thì dòng sông Thu Bồn cũng mang ý nghĩa thiêng liêng trong lòng người Chăm bên cạnh thánh địa Ấn Độ giáo Mỹ Sơn. “Đường thuỷ là phương tiện giao thông thuận lợi nhất trong đời sống của người Chăm, dòng Thu Bồn và các chi lưu của nó là cái gạch nối rất quan trọng giữa các vùng núi đồi-đồng bằng-biển cả. Với những thuyền bè thô sơ, nương theo các dòng hải lưu và gió mùa, họ có thể đến được các vùng xa xôi và ngược lại, thuyền bè của cư dân nơi khác cũng có thể ngược dòng Thu Bồn rồi theo các chi lưu mà lan toả, thâm nhập sâu vào các làng bản trong khắp khu vực để trao đổi, buôn bán những sản phẩm cần thiết”[5].
Tại khu Thánh địa Mỹ Sơn, văn bia mô tả vị vua đầu tiên là Bhadravarman, cai trị từ năm 349 đến 361. Và cho xây dựng nên ngôi đền thờ Thần có tên là Bhadresvara, (cái tên là sự kết hợp giữa tên của nhà Vua và tên của Thần Shiva, vị Thần của các Thần trong Ấn Độ giáo). Phong tục của người Chăm thờ Vua như thờ Thần. Vào thời Bhadravarman, kinh đô của Lâm Ấp là kinh thành Simhapura (thành Sư tử). Như vậy, Thánh địa Mỹ Sơn xây dựng từ thế kỷ thứ IV và liên tục được trùng tu, phát triển, xây mới thêm những đền tháp cùng các pho tượng điêu khắc bằng đá khác cho đến thế kỷ thứ XIII mới chấm dứt. Trong một bi ký cho biết chính vua Bhadravarman Đệ Nhất là người khởi công xây dựng Thánh địa Mỹ Sơn: “Ngài đã cúng dâng cho thần Bhadresvara một khu vực vĩnh viễn, phía đông là núi Sulaha, phía Nam là núi Mahaparvata, phía Tây là núi Kusala, phia Bắc là núi…(mất chữ) làm ranh giới . Ngài cũng cúng dâng cho Thần tất cả các ruộng đất và cư dân trong phạm vi đó, hoa lợi cũng được dâng cúng cho Thần…Nếu có kẻ nào dùng vũ lực để chiếm đoạt hay phá hủy ruộng đất này thì nhân dân không phải tội, mà tội lỗi sẽ dành cho kẻ đó…”{6}.
Các công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn đã cho thấy nghệ thuật kiến trúc đặc sắc với kỹ thuật xây cất hoàn chỉnh từ kỹ thuật mài xếp, sử dụng chất kết dính nhựa thực vật làm nên một nền kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn, được coi là nghệ thuật đỉnh cao của kiến trúc gạch ở Đông Nam Á, điển hình là tháp Mỹ Sơn A1 mà ngày nay còn hiện diện trên các kiến trúc Mỹ Sơn B3, B5, C1. Sự độc đáo làm nên giá trị của kiến trúc được tham góp quan trọng của nghệ thuật điêu khắc trực tiếp lên gạch. Những khối kiến trúc, những mảng chạm khắc, những đề tài thể hiện hình ảnh các vị thần, tu sĩ, vũ công, cảnh sinh hoạt triều đình, linh vật (voi, rắn, sư tử, chim Hamsa) cùng những hoạ tiết thể hiện động/thực vật với đường nét khắc tạc mềm mại, sắc sảo, khối gọn đầy sống động trên các kiến trúc đã cho thấy một hệ thống nghệ thuật điêu khắc trên gạch đặc sắc, điển hình trên nền kiến trúc tôn giáo cùng ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ và vùng Đông Nam Á…để ngày nay trở thành những kiệt tác[7]
Simhapura/Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Chiêm Sơn cùng hệ thống các phế tích di tích, hiện vật…xuất lộ trải dài trên khắp vùng đất Duy Xuyên không chỉ là những trang sách, bài học lịch sử-văn hóa vô cùng quý cho đời sau của một Vương quốc cùng các Vương triều hùng mạnh trong lịch sử đã để lại dấu ấn bởi nhiều yếu tố về Thiên-Địa-Nhân…và các tác nhân khác mà còn là ánh khúc xạ soi chiếu cho tiến trình mở nước của Đại Viêt.
Như vậy, ngay từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Chăm vào năm 192, để rồi Duy Xuyên trở thành vùng đất Thánh đô trong nhiều thế kỷ, đã làm nổi bật hiện tượng “khí thiêng sông núi” và tiềm năng to lớn về kinh tế-chính trị của vùng Nam sông Thu Bồn, đây cũng là tiền đề cho công cuộc dựng nghiệp Chúa Nguyễn Đàng Trong về sau từ thế kỷ XVI.
Tài liệu tham khảo:
{1}.Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Dịch giả: Nguyễn Bá Mão, Nxb Thuận Hóa, 2005
{2}. Nguyễn Văn Kim, Trần Văn Mạnh. Cù Lao Chàm trong không gian biển Chămpa thế kỷ XI-XV,Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. Số 1-2020[1]
{3}. https://dsvh.gov.vn/bao-cao-so-bo-ket-qua-khai-quat-khao-co-hoc-di-tich-trien-tranh-quang-nam-
{4}.Trần Quốc Vượng, Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt, Đặc san Nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng, số 5-2014
{6}.Trần Quốc Vượng, Miền Trung Việt Nam và văn hoá Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1998
{7}. TS Lê Đình Phụng viện KCH, Mỹ Sơn- vùng đất thiêng
Nguyễn Thị Tuyết
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)