Mariko đến với Trà Kiệu vào mùa xuân năm 1993, là thành viên của nhóm nghiên cứu do GS Ian Glover của trường Đại học London làm trưởng đoàn. Ngay năm đầu tiên đến với Trà Kiệu, đứng trên ngọn đồi Bửu Châu, Mariko đã đưa ra quyết định chọn vùng đất này để nghiên cứu trong khi luận án tiến sĩ về gốm tiền sử Jomon Nhật Bản còn đang dang dở. Chính sức hút của vùng đất Trà Kiệu đã làm thay đổi hướng nghiên cứu và rẽ sang một hành trình dài đầy duyên nợ trong cuộc đời của nhà khảo cổ học Nhật Bản Giáo sư Mariko YAMAGATA. GS Mariko hiện nay được bổ nhiệm đặc biệt tại Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Hội khảo cổ học Đông Nam Á tại Nhật Bản. Để Trà Kiệu được biết đến như một phức hợp di tích cư trú, thành luỹ, trung tâm chính trị, tôn giáo đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như ngày nay là nhờ vào những đóng góp âm thầm của các nhà khảo cổ học, của các nhà khoa học, của bao thế hệ trong và ngoài nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của GS Mariko YAMAGATA. Năm 2023 là tròn 30 năm GS Mariko dành thời gian nghiên cứu vùng đất Trà Kiệu, 30 năm qua là khoảng thời gian của những đóng góp khoa học, của chia sẽ kết nối và đào tạo nhiều thế hệ nghiên cứu của hai nước Việt Nam và Nhật Bản, là 30 năm của tuổi trẻ, tâm huyết và tình yêu với vùng đất và con người xứ Quảng.
Những đóng góp khoa học quan trọng
Trước khi Mariko và cộng sự đến Trà Kiệu, đã có nhiều học giả đến nghiên cứu và khảo cổ về vùng đất này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định vai trò cũng như niên đại qua các thời kỳ khác nhau của Trà Kiệu. Finot, L. (1904) đề xuất rằng: Trà Kiệu có thể là một thành phố cổ Simhapura. Leonard Aurousseau (1914) nhận định Trà Kiệu chính là thủ đô của Lâm Ấp và là thành phố bị người Trung Quốc cướp phá vào thế kỷ 5 SCN. Henri Maspero (1924) lại nghi ngờ về vị trí của Tượng Lâm, và ông cho rằng Tượng Lâm thuộc vùng Huế ngày nay chứ không phải vùng Trà Kiệu. Aurousseau và Claeys cho rằng Trà Kiệu chính là vị trí thủ đô của Lâm Ấp, đồng thời là trung tâm của huyện Tượng Lâm dưới thời Hán sau khi khai quật Trà Kiệu trong năm 1927-1928. Tuy nhiên, đến năm 1947, dựa vào sử liệu Trung Quốc, Stein, R. A. phủ nhận kết quả nghiên cứu của Aurousseau và Claeys, cho rằng Lâm Ấp nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân. Sau chiến tranh Việt Nam, năm 1985, đoàn khảo sát của Trường Đại Học Hà Nội tìm thấy những mảnh gốm thuộc giai đoạn cuối văn hoá Sa Huỳnh và giai đoạn sớm của văn hoá Champa có niên đại trong khoảng cuối thế kỷ thứ 2 đến đầu thế kỷ 4 hay tìm thấy dấu vết về cư dân địa phương có mối quan hệ với văn hoá truyền thống Sa Huỳnh (Nguyễn Chiều, Lâm Mỹ Dung, Vũ Thị Ninh. 1991).
Trong bối cảnh đó, nhóm các nhà khảo cổ bao gồm cả Việt Nam, Anh và Nhật Bản trong đó có Giáo sư Mariko đã tiến hành khai quật Trà Kiệu trong khoảng thời gian từ 1993 đến 1996. Trên những kết quả nghiên cứu trước đó, nhóm các nhà khảo cổ, các học giả quốc tế này đã tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Claeys được cho là nhà khảo cổ học thực địa giỏi nhất của EFEO, nhưng trong cuộc khảo cổ học đầu tiên với quy mô lớn và nhiều địa điểm tại Trà Kiệu lại rất ít chú trọng đến gốm và ngói, loại hiện vật rất giàu có tại Trà Kiệu. Mục đích của đoàn khảo cổ và nghiên cứu mà Giáo sư Mariko là thành viên trong đợt này là nhằm xác định niên đại của gốm phát hiện cũng như tìm hiểu mối quan hệ giữa Sa Huỳnh và Champa giai đoạn tiền sơ sử. GS Mariko cũng quan tâm đến chuyển biến của di tích, niên đại Trà Kiệu, sự định cư ở Trà Kiệu từ bao giờ, mối quan hệ giữa kinh đô Lâm Ấp và Champa như thế nào. Vào năm 1993, nhóm khai quật bao gồm Mariko tiến hành mở hố và đã phát hiện được nhiều hiện vật rất quan trọng. Nhiều hiện vật cho thấy mối quan hệ với gốm thời Hán ở Nam Trung Quốc hay Bắc Việt Nam, hay những mẩu than có niên đại thế kỷ 1 đến thế kỷ 3 SCN. Đáng chú ý là trong cuộc khai quật ở Hoàn Châu từ năm 1997 đến năm 2000, Mariko đã thành công khi nhận diện được sự tiến triển của các hiện vật từ lớp dưới cùng đến các lớp bên trên. Nhận diện quan trọng này đã làm sáng tỏ lịch sử cổ đại của Trà Kiệu từ góc độ khảo cổ học.
%20c%C3%B9ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20nghi%E1%BB%87p%20tr%C3%AAn%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20%C4%91%E1%BA%BFn%20Tr%C3%A0%20Ki%E1%BB%87u%20v%C3%A0o%20n%C4%83m%201993_%20%E1%BA%A2nh%20Mariko%20Yamagata.jpg)
Tiếp sau đó là các đợt khai quật và điền dã của Giáo sư Mariko đến Trà Kiệu diễn ra hằng năm. Bên cạnh Trà Kiệu, các cuộc khảo sát và nghiên cứu so sánh ở nhiều di tích sớm khác. Giáo sư Mariko cho rằng: “Trà Kiệu là thủ đô của Lâm Ấp ngay từ đầu, và quá trình chuyển đổi từ văn hoá Sa Huỳnh sang thời kỳ đầu của nhà nước sơ khai có thể đã diễn ra trong Quảng Nam- Đà Nẵng trước các khu vực khác ở miền Trung. Việc xây dựng một khung niên đại khảo cổ học Trà Kiệu là rất cần thiết để làm cơ sở nghiên cứu so sánh với các di tích Lâm Ấp ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ dẫn đến việc xem xét lại lịch sử Lâm Ấp từ góc độ và phương hướng khảo cổ”. Những kết quả khảo cổ học và nghiên cứu của GS Mariko và đồng nghiệp được trưng bày tại Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh Champa với các bộ sưu tập rất quan trọng về giai đoạn muộn của Sa Huỳnh và sớm của Lâm Ấp. Các kết quả nghiên cứu cũng được xuất bản và đăng trên các tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tình đất tình người
Để có những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu, Giáo sư Mariko cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp ở Việt Nam và nhất là người dân Duy Xuyên. Những ngày làm việc tại Trà Kiệu, Giáo sư Mariko cũng nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những đồng nghiệp như Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Chiều, Trịnh Sinh, Lê Đình Phụng, Lâm Thị Mỹ Dung, Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Thị Tuyết… trong đó có TS Nguyễn Kim Dung. TS Nguyễn Kim Dung là nhà khảo cổ học nữ Việt Nam đã làm việc và luôn gắn bó với Giáo sư Mariko trong 30 năm qua, người mà GS Mariko cho là ‘người bạn quan trọng nhất, hơn cả bạn bè’ đã hỗ trợ và giúp đỡ GS Mariko ngay từ những bước đầu đến làm việc tại Trà Kiệu. Giáo sư Mariko cũng cho rằng dù đi nhiều nơi, nhưng những người Duy Xuyên, người Quảng Nam đã để lại trong Mariko những tình cảm tốt đẹp nhất. Nhiều người dân Duy Xuyên đã quen thuộc với hình ảnh của Mariko, một người phụ nữ luôn khiêm nhường, giản dị, chỉnh chu, tận tuỵ, là người luôn có niềm say mê lớn lao với khảo cổ. Theo Ông Dương Đức Quí – Nguyên Trưởng phòng Văn hoá Thông tin Huyện Duy Xuyên kể lại những năm tháng đầu khi Mariko đến làm việc tại Trà Kiệu: ‘Mariko đến từ một đất nước phát triển, văn minh nhưng đến làm việc trong một điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng còn rất thiếu thốn, chắc chắn là Mariko gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhà vệ sinh không đảm bảo, ăn uống thiếu thốn nhưng Mariko vẫn vượt qua được, Mariko hiểu nói tiếng Việt rất giỏi, thấy cô gái xinh xắn người Nhật nên nhiều anh em cũng đùa nhưng Mariko phản ứng và hiểu rất nhanh các kiểu nói đùa đầy ẩn dụ. Khi làm việc, Mariko là người rất nguyên tắc, đầy tính kỷ luật nhất là giờ giấc làm việc, là người giản dị, gần gủi và rất được sự quý mến của mọi người’.
%20c%C5%A9ng%20L%C3%A3nh%20%C4%91%E1%BA%A1o%20BQL%20DSVH%20M%E1%BB%B9%20S%C6%A1n%20v%C3%A0%20TS%20Nguy%E1%BB%85n%20Kim%20Dung%20v%C3%A0%20TS%20B%C3%B9i%20Ch%C3%AD%20Ho%C3%A0ng_%20%E1%BA%A2nh%20Nguy%E1%BB%85n%20Gia%20An.jpg)
Đào tạo, kết nối và tiếp tục con đường đã chọn
Trong thời gian nghiên cứu làm việc tại Trà Kiệu, GS Mariko cũng đã từng làm việc tại nhiều trường đại học khác nhau ở Nhật Bản như Đại học Khoa học Okayama, Đại học Kanazawa, Đại học Waseda và hiện nay là Đại học Rikkyo. GS Mariko đã hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam cũng như Nhật Bản, đồng thời đào tạo kết nối thế hệ trẻ nghiên cứu và quan tâm nghiên cứu Việt Nam nói chung và Trà Kiệu nói riêng. Khi hỏi về những dự định sắp đến, GS Mariko cho rằng nghiên cứu là còn đường có bắt đầu mà dường như không có kết thúc. Mariko cũng sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu của mình, cần nghiên cứu so sánh và mở rộng hơn, văn hoá Sa Huỳnh và Champa còn nhiều vấn đề để nghiên cứu. Nhiều đồng nghiệp cũng học hỏi từ GS Mariko về tư duy làm việc khoa học cũng như phong cách làm việc của GS Mariko.
Hơn 30 năm qua, GS Mariko YAMAGATA đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng khung niên đại giai đoạn sớm của Trà Kiệu, góp phần xác định Trà Kiệu là thủ đô của Lâm Ấp ngay từ đầu và quá trình tiến triển từ văn hoá Sa Huỳnh sang thời kỳ đầu của nhà nước sơ khai, mối quan hệ giữa vùng Trà Kiệu miền Trung Việt Nam với phía Bắc và Nam, với nền văn hoá khác bằng nhiều nghiên cứu so sánh. Không những thế, GS Mariko đã dày công kết nối, hướng dẫn đào tạo nhiều thế hệ trẻ của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Hình ảnh của GS Mariko, một nhà khảo cổ đầy tâm huyết, giản dị, chu đáo, một nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng cho vùng đất xứ Quảng. Ngày 20/03/2024, Giáo sư Mariko Yamagata nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về những đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá tại tỉnh Quảng Nam theo quyết định số 614/QĐ-UBND, ngày 20/3/2024. Bằng khen như lời tri ân về những đóng góp lớn lao của Giáo sư Mariko YAMAGATA cho những di sản khảo cổ ở Quảng Nam nói chung trong đó đặc biệt là với di sản Trà Kiệu ở Duy Xuyên nói riêng.
Nguyễn Gia An
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)