Khu đền tháp Mỹ Sơn tọa lạc tại thôn Mỹ Sơn, giáp giới các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn (Duy Xuyên), Sơn Viên (Nông Sơn). Đây là quần thể kiến trúc được xây dựng liên tục nhiều thế kỷ, là trung tâm tôn giáo của vương quốc Champa. Vùng đất này tồn tại đã lan tỏa những giá trị văn hóa đến các khu vực xung quanh được chứng minh qua những dấu tích lịch sử, di chỉ kiến trúc đền đài, tín ngưỡng, phong tục tập quán trong dòng chảy văn hóa cư dân bản địa qua hàng ngàn năm. Đó là sự tiếp biến, giao thoa văn hóa Chăm trong văn hóa Việt. Trong bài viết này, vì nguồn tư liệu còn hạn chế, chúng tôi xin làm rõ một số nét về sự giao thoa tiếp biến này tại vùng phụ cận di sản (phạm vi này là các xã khu Tây Duy Xuyên và các xã xung quanh).
1. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa.
Điều kiện tự nhiên: xung quanh Khu đền tháp Mỹ Sơn là vùng bán sơn địa. Vùng đất được hình thành bởi dãy núi Hòn Tàu, Hòn Nghệ, Hòn Dung chắn hướng sau lưng, sông Thu Bồn án ngữ trước mặt tạo nên một địa hình gồm núi đồi, đồng bằng, bãi biền châu thổ sông Thu Bồn. Riêng tại thung lũng Mỹ Sơn có địa thế hiểm trở, núi cao, đầm lầy, hang đá, có nguồn nước suối chảy quanh năm. Địa hình có núi, sông hình thành cho vùng đất này tiểu khí hậu dịu mát về đêm và giông lốc chiều tối, những địa phương gần núi mùa đông lạnh hơn. Mùa mưa thường có lũ lụt do thượng nguồn sống Thu Bồn đổ về.
Lịch sử: có lịch sử từ thời xa xưa, người cổ thuộc thời đá mới đã từng sinh sống. Tại di chỉ Gò Dừa, (xã Duy Tân) vào năm 1999, các nhà khảo đã phát hiện 06 mộ chum cùng nhiều hiện vật thời đại Sa Huỳnh. Gò Dừa là giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, tiền văn hóa Champa. Đến giai đoạn Champa, ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn có rất nhiều những di chỉ, di vật, gắn liền với nền văn hóa này một cách đậm đặc, đáng kể nhất là trên lưu vực sông Thu Bồn mà phải kể đến là lăng Bà Thu Bồn, gò Mã Phật, giếng Chăm, Ao Vuông… Trong văn bia thế kỷ thứ IV, dưới triều vua Bahadravaman I viết “ngài đã dâng cúng cho thần Bahadravara một khu vực vĩnh viễn, phía Đông là núi Sulaha, phía Nam là núi Mahapavarta, phía Tây là núi Kathala, phía Bắc là núi… làm ranh giới. Ngài cúng cho thần ngài tất cả ruộng đất và cư dân trong phạm vi đó, ngài kêu gọi hãy thương yêu ta và đừng phá hoại những gì ta dâng cúng cho thần” Chưa có nhiều nhận định cụ thể nhưng những văn bia như Hòn Cục (Chiêm Sơn) bia Hòn Kẽm… có phải dấu mốc đánh dấu về ranh giới phạm vi được nhắc đến trong văn bia thế kỷ thứ VI này. Các tư liệu về sau như “Phủ biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn, nhắc đến Khu đền tháp Mỹ Sơn là những ngôi mộ của vua Champa. Các tác phẩm Hán Nôm như “Quảng Nam xã chí” và “Quảng Nam tỉnh tạp biên” là nguồn tư liệu có giá trị về vùng đất và con người Quảng Nam và huyện Duy Xuyên. Theo các tư liệu được ghi chép, tiến trình di dân không phải diễn ra một lần, một giai đoạn mà kéo dài qua chiều dài lịch sử. Trong gia phả tiền hiền một số họ tộc lớn tại vùng đất này thì có một số tộc họ theo vua vào bình Chiêm. Các tộc họ lớn ở Quảng Nam đều có ở đây như tộc Nguyễn, Trần, Lê. Theo tác giả Hồ Trung Tú trong cuốn sách “Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử” thì chính nhiều đợt di dân của vua chúa Đại Việt đã góp phần làm cho văn hóa Chăm - Việt không bị đứt đoạn mà cộng cư, giao thoa hòa nhập vào nhau. Tác giả cho rằng người Chàm đã sinh sống trên vùng này từ nhiều trăm năm trước và dấu vết của họ để lại có thể nói là khắp nơi. Điều này làm cho văn hóa Chăm được tiếp biến, hình thành và phát triển trong vùng đất khi người Việt đến sinh sống làm ăn.
Kinh tế, xã hội: đây là vùng đất nông nghiệp, với điều kiện thiên nhiên có phần ưu đãi. Đồng bằng được phù sa sông Thu Bồn bồi đắp nên việc trồng trọt, chuyên canh cây trồng, chăn nuôi rất thuận lợi. Vùng đất có núi phía sau, sông phía trước thuận lợi trong việc săn bắt, khai thác lâm sản, chài lưới, đánh bắt cá, tôm. Trong chiến tranh đây là vùng căn cứ, địa bàn hoạt động du kích, cũng là nơi tránh bom đạn an toàn. Là dãy núi ăn xuống của Trường Sơn hùng vỹ nên Khu cảnh quan rừng Mỹ Sơn có là hệ động thực vật phong phú. Động vật có 37 loại thú và 4 loài có tên trong sách đỏ (culi lớn, tê tê java, mèo rừng và cầy hương), thực vật có 238 loài, 168 chi, 82 họ với nhiều loại quý hiếm. Đời sống dân cư gắn bó với rừng bao gồm các hoạt động hái lượm, săn bắt, khai thác lâm sản, đón củi, đốt than, trồng trọt. Ngoài nông nghiệp, còn có các hoạt động tiểu thủ công nghiệp như làm gạch thủ công, gốm sứ, trùng tu di tích (thời Pháp, Kazick, Italia, Ấn Độ), hoạt động du lịch như buôn bán, tạp hóa… nhiều trung tâm thương mại Kiểm Lâm, Phú Đa, Mỹ Lược…
2. Dấu ấn giao thoa văn hóa Chăm - Việt
Lễ hội:
Lễ hội Bà Thu Bồn là lễ hội thể hiện rõ nét việc tiếp biến, giao thoa văn hóa giữ Champa - Đại Việt. Lễ hội diễn ra từ ngày 12 tháng Hai Âm lịch hằng năm, sau tết, mùa nông nhàn của cư dân Việt. Lễ gồm hai phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ bài trí, lễ rước sắc, rước nước, lễ đại tế, lễ hoàn sắc. Trong đó, nét văn hóa Champa thể hiện rõ nhất là lễ rước nước. Nước để làm lễ được người dân lấy từ đầu nguồn dông Thu, vào lúc sáng sớm. Cả hai nơi ở làng Thu Bồn Tây (Duy Xuyên) và làng Trung An (Nông Sơn) đều có nghi lễ này. Giai thoại về Bà Thu Bồn đều cho rằng bà là vị tướng người Chăm, giúp dân đánh giặc, trong một lần bị giặc truy đuổi, không may bà bị ngã ngựa chết, xác Bà được dân làng vớt lên chôn cất và lập đền thờ. Tuyền thuyết trong cộng đồng địa phương kể rằng Bà rất hiển linh, có năm dân làng mất mùa, đói khát có con bò đi ra từ Khu đền tháp Mỹ Sơn ra lăng Bà mang theo vàng trên cổ để cứu dân làng qua nạn đói. Hình ảnh con bò vàng là hình ảnh gắn với tôn giáo, thần linh thờ cúng ở Mỹ Sơn. Ngoài ra, nghi thức cúng trâu (nghé con) mà không dùng bò cũng thể hiện sự tôn kính của người Việt, qua đó cho thấy văn hóa Việt sự bao dung, hài hòa, tiếp biến cái mới.
Ở địa phương xã Duy Phú, những địa điểm tâm linh, đều liên quan đến yếu tố Chăm như tuyền thuyết về dinh Bà làng Mỹ Sơn. Tuyền thuyết kể rằng ngày xưa xứ đất này chưa có tên làng là vùng đất cấm, có nhiều rừng cây nguyên sinh rậm rạp. Vua Champa đã ban lệnh lấy đất sét vùng này nung gạch để xây dựng thánh địa và làm nơi ăn nghỉ cho những người thợ xây tháp. Sau khi hoàn thành các đền đài dưới thung lũng Mỹ Sơn thì tên làng Bửu Sơn mới ra đời rồi đổi thành làng Mỹ Sơn. Vào khoảng thời gian từ mồng Một đến mồng Mười tháng Hai âm lịch, cứ từ giờ Hợi đến giờ Tý các đêm thì dân làng nhìn thấy một vệt trắng toát mềm mại như dải lụa trên đỉnh Hòn Đền của dãy Hòn Tàu sừng sững từ phía nam bay ra hạ xuống ngọn cây cốc rồi bay tiếp về phía bắc, nơi có lăng Bà Thu Bồn. Hay những đêm trăng người làng thường thấy một cục lửa khá lớn từ Hòn Đền bay ra sà xuống ngọn cây cốc một lúc rồi bay tiếp tới lăng Bà Thu Bồn… Có câu chuyện khác kể ngày xưa có một người đàn bà mù đến nằm ngủ ngay dưới gốc cây cốc. Dân làng Mỹ Sơn tới hỏi thì bà cho biết mình chính là nữ tướng của vua Mây bị hy sinh trong trận mạc, được vua ban tặng Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần. Bà hiển linh, trú ngụ tại gốc cây cốc này đã lâu mà không ai hay biết. Những hình ảnh lặp đi lặp lại trong tín ngưỡng thờ cúng vùng đất này đều gắn với khu đền tháp Mỹ Sơn và văn hóa Champa. Hình thành trong tâm thức người dân sự tôn kính, cầu mong sự phù hộ độ trì đến từ đấng siêu nhiên, thần linh để quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, no đủ.
Địa danh:
Hiện nay, tại vùng đất này có nhiều tên gọi ít nhiều gắn với văn hóa Champa và khu đền tháp Mỹ Sơn. Đỉnh núi thiêng Mahapavara còn có tên gọi là Hòn Đền có nghĩa là người ta lấy tên đền tháp đặt cho tên núi. Bà Thu Bồn, Bô Bô phu nhân, còn là hiện thân của mẹ Thiên Y A Na. Ở xã Duy Sơn có làng còn có tên gọi Chiêm Sơn, giả thuyết đặt ra từ Chiêm còn có nghĩa là tên gọi của Champa xưa, Chiêm Thành, Đại Chiêm ?. Trong dân cư còn sử dụng những thành ngữ như lùm Bà Giàng, hay tên gọi như miếu Hời, mã Hời, Man, Mọi…
Tín ngưỡng dân gian:
Tục cúng đất là tục lệ của người Việt còn diễn ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế vào đến Quảng Ngãi. Đây là vùng đất được vua Champa dâng cho Đại Việt để đổi lấy công chúa Huyền Trân nên quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Theo các nhà nghiên cứu thì khi người Việt di dân đến vùng Ngũ Quảng họ phải sống trong một hoàn cảnh hãi hùng trên một vùng đất mới khai phá với bao nhiêu hiểm họa về khí hậu, phong thổ, thú dữ giữa khung cảnh của bao đền tháp tượng thần của người Champa nên việc cúng đất là cách để nguyện cầu, phủ dụ và sự an ủi tâm hồn. Mâm lễ cúng đất phải được thực hiện trước, sau đó mới cũng gia tiên. Tại đình làng Mỹ Sơn bên cạnh bàn thờ các bậc tiền hiền khai canh, khai cư là gian thờ Bà. Nghi thức cúng đình diễn ra vào ngày mùng Mười tháng Giêng, dân làng tổ chức cúng Bà xong mới tiến hành nghi lễ cúng tiền hiền. Ngày nay, trong tâm thức những người dân vùng này khi đi vào núi Mỹ Sơn, trước khi ăn hoặc uống thức ăn đem theo họ thường dành một ít rãi hoặc đổ xuống đất để làm thủ tục dâng cúng thân núi. Nhiều giai thoại kể về sự quỡ trách của thần linh liên quan đến Khu đền tháp nên hình thần trong dân chúng sự cung kính, sợ hãi như đi qua các tượng thờ trong Khu đền tháp Mỹ Sơn phải cuối đầu im lặng, đặc biệt con gái tóc dài không được đến những nơi này. Các tập tục cúng giỗ ma chay cũng có sự khác biệt so với một số nơi khác. Đấy là những thành tố ảnh hưởng của văn hóa Champa.
Văn hóa ẩm thực:
Ẩm thực người Việt miền Trung chịu ảnh hưởng của văn hóa Chăm thể hiện trong việc sử dụng nước mắm thay cho chén nước tương. Sự ra đời của chén mắm cái bắt nguồn từ sự đi biển muối nắm trước đây của cư dân Champa, họ vốn là dân tộc giỏi về thủy chiến. Ở xã Duy Thu trong lễ hội Thu Bồn con cá mòi được sử dụng chế biến món gỏi (một món ăn ưu thích của người Chăm). Hay thịt nghé tại vùng đất này dần trở thành đặc sản thu hút rất nhiều du khách trẩy hội lệ Bà. Những tập tục đội khăn, búi tóc cũng là nét văn hóa thể hiện sự giao thoa Chăm - Việt.
Văn học, ca dao, tục ngữ, phương ngữ:
Trong văn học dân gian Quảng Nam có lưu truyền câu tục ngữ: “ Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung. Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam”. Kinh nghiệm dân gian của người dân các xã Sơn Viên, Quế Trung lưu truyền: “Núi Chúa viền mây trắng, trời đang nắng chuyển mưa”, “ Hòn Tàu, Núi Chúa ủ ê. Khe Canh, vườn Rượu dẹp nghề trồng khoai”. Núi Chúa là ngọn núi chứa nhiều điều thần bí, linh thiêng gắn liền với những giai thoại. Trong dân gian lưu truyền huyền thoại về khu vườn tiên trên núi Chúa mà thần linh đã tạo ra để cứu thoát những người đi lạc đói khát. Những tục lệ cấm kị như không chặt cây trong rừng cấm Mỹ Sơn đem về làm nhà, không mang trái cây từ vườn tiên trên núi về nhà là nét văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt và sự tôn trọng văn hóa Champa.
Nhân dân xã Duy Phú lưu truyền chuyện ông Đùng, bà Đùng gánh đá xây tháp gắn với sự tích Ao vuông Đá Dựng. Hay nhân dân xã Quế Lộc kể câu chuyện động tiên trên núi Chúa liên quan đến một nhân vật huyền thoại là Bà Bóng. Nhân vật này trong văn hóa Chăm là người chức sắc phục vụ các nghi lễ tôn giáo. Hiện nay, ở Quế Lộc vẫn còn lại dấu tích miếu thờ Bà Bóng, động tiên ở núi Chúa là cõi đi về của Bà.
Đây cũng là vùng đất gìn giữ các loại hình nghệ thuật như hát sắc bùa, bài chòi, hát tuồng. Theo nhiều nghiên cứu trong hát tuồng có sự kết nối giữa địu nhạc lễ của Chăm và Việt. Nghị thức múa mang biểu tượng hình tròn được tiếp biến từ địu múa vòng quay vũ trụ luân hồi (múa Apsara).
Phương ngữ “mô, tê, răng, rứa” ở vùng đất Quảng Nam có nguồn gốc từ sự tiếp biến ảnh hưởng của ngữ hệ Nôm Khơme của Champa. Giọng nói của người Quảng Nam được giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng : “Đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy đã truyền lại cho con cái để thành nên giọng Quảng hôm nay!”
Dụng cụ lao động, sản xuất:
Ghe bầu, cái cày một lưỡi, mùa chiêm và lúa chiêm… là những tư liệu khẳng định văn hóa có sự giao thoa, tiếp biến, và cư dân Việt vùng đất xung quanh di sản Mỹ Sơn hiện nay còn bảo tồn, lưu truyền trong cộng đồng.
Di tích lịch sử:
Di tích Ao Vuông, hòn đá Dựng (Duy Phú), gò Mã Phật (Duy Tân), giếng Chăm (Duy Thu), đình làng Mỹ Sơn, dinh Cốc Bà làng Mỹ Sơn… là những di tích có mối quan hệ lẫn nhau, đều gắn với Mỹ Sơn và văn hóa Champa.
3. Một số nhận định
Điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế xã hội hình thành nên những giá trị văn hóa, vận động, biến đổi qua nhiều thế hệ, tiếp biến giao thoa tạo nên bản sắc văn hóa vùng. Việc tiếp biến này thể hiện trong đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, sinh hoạt lao động, kinh tế, xã hội. Đây là những sự thật về cuộc sống, những thông điệp văn hóa tiêu biểu về sự sáng tạo, vận dụng đưa vào đời sống của người Việt.
Qua sự tồn tại, lưu truyền trong dân gian những giá trị sâu đậm của văn hóa Champa tại vùng đất cửa ngỏ Di sản Mỹ Sơn cần được nhìn nhận về sức lan tỏa, ảnh hưởng của Khu di sản đến bên ngoài. Trên vùng đất xung quanh trung tâm thờ cúng Mỹ Sơn văn hóa Champa không chỉ rõ nét ở kinh đô cổ Trà Kiệu mà lan rộng khu vực xung quanh. Là dấu tích của một tiến trình lịch sử kéo dài hằng ngàn năm được biến đổi, phát triển. Góp phần minh chứng cho văn hóa có sự giao thoa và hội nhập, hòa quyện vào nhau. Trong đó văn hóa Việt là sự bao dung, tiếp biến văn hóa Chăm.
Quá trình cộng cư, sinh sống của người Việt là quá trình lâu đời, kéo dài đến ngày nay. Khoảng thời gian gần 500 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn bị bỏ quên đã làm mờ vai trò của văn hóa Chăm trong dòng chảy văn hóa Việt hay trong suốt thời gian đó vai trò trung tâm Khu đền tháp Mỹ Sơn tiếp tục được khẳng định qua sự lan tỏa, tiếp biến văn hóa theo dòng chảy mà không bị ngắt đoạn đến ngày hôm nay. Qua quá trình hình thành phát triển trong đời sống của cư dân địa phương. Điều này cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu, khai thác các tư liệu dân gian để làm rõ hơn về giai đoạn lịch sử.
Việc giả thuyết các hoàng gia Chăm đi từ kinh đô Trà Kiệu trên những chiến thuyền trên sông Thu Bồn đến Mỹ Sơn hành lễ cần tiếp tục nghiên cứu, đặt ra những câu hỏi về vai trò của các địa danh liên quan như lăng Bà Thu Bồn, gò Mã Phật. Phải chăng đường sông là con đường hành lễ chính dưới các triều đại Champa. Như vậy, các di tích xung quanh vùng đất này có phải là địa điểm dừng nghỉ, cử hành những nghi lễ khi đặt chân lên đất thiêng của các vương triều Chăm.
Việc tồn tại một số di tích trên vùng đất này, đặc biệt là giếng Chăm tại khu vực này cho thấy cộng đồng cư dân Champa sinh sống lâu đời, việc sinh hoạt của họ phục vụ cho tôn giáo như văn bia thế kỷ IV đề cập đến hay chỉ đơn thuần là đời sống nông nghiệp.
4. Kết luận
Trong khuôn khổ bài viết qua những tư liệu vừa dân gian truyền miệng, cùng những giá trị văn hóa vật thể, những tư liệu về chữ viết, tư liệu lịch sử của Champa và Đại Việt đề cập đến vùng đất này còn ít. Những nét riêng trong bài này chưa phải là những đặc trưng cụ thể nhưng cũng góp phần làm sâu sắc về sự đa dạng văn hóa một vùng đất. Việc hệ thống, nghiên cứu sâu, đặt ra những nhận định để tìm lời giải là góp phần làm cho giá trị di sản thêm lớn mạnh, từng bước đưa văn hóa du lịch phát triển lan rộng đến cộng đồng. Cùng hoạch định những chính sách để cộng đồng được hưởng lợi, để gìn giữ, xây đắp, cho muôn đời sau.
Mỹ Sơn ngày càng được cộng đồng tôn kính, đi sâu trong đời sống văn hóa Việt. Được tiếp diễn đến hiện tại và dần lan tỏa trên nhiều lĩnh vực văn hóa, lễ hội, kinh tế, việc làm. Niềm tự hào về vùng đất di sản càng được khẳng định qua công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị. Văn hóa Chăm/di tích Mỹ Sơn không mất đi mà càng lớn mạnh phát triển.
Những giá trị này tiếp tục được tồn tại tạo nên những dấu ấn riêng. Những nhà hàng, khách sạn, bảng biểu cả hai ngôn ngữ Anh-Việt, những thương hiệu gắn với Mỹ Sơn như Mỳ Quảng Mỹ Sơn, nhà đất Mỹ Sơn, khách sạn Mỹ Sơn. Đó là điều văn hóa Champa/Di sản Mỹ Sơn ngày càng lan tỏa, trong dòng chảy đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội đương đại trên vùng đất xung quanh Di sản
Phan Văn Khoa
Tài liệu tham khảo.
1. Ngô Văn Doanh (2019), Thánh địa Mỹ Sơn, NXB Trẻ.
2. Lê Quý Đôn (1971), Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Maspéro (1928), Lịch sử Chămpa, NXB Van Oest, Brussels và Paris.
4. Phan Văn Khoa, Độc đáo lễ khai Truông và cúng đình Mỹ Sơn, Báo Quảng Nam.
5. Phan Khoang (1970), Việt sử Xứ Đàng Trong 1558-1777, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
6. Nguyễn Quyết Thắng (1996, 2001), Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật, NXB Văn hóa.
7. Hồ Trung Tú (2011), Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử, NXB Thời Đại.
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)