Voi vừa là linh vật mang ý nghĩa tôn giáo vừa là hình tượng điêu khắc trang trí khá phổ biến trong kiến trúc Champa. Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, nơi đã từng là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng quan trọng nhất của các vương triều Champa cổ, hình ảnh voi được thể hiện vô cùng sinh động và đa dạng gắn liền với các công trình kiến trúc Hindu giáo. Hình ảnh voi tại Mỹ Sơn có khi được chạm trổ trực tiếp trên những mảng tường gạch nung mang tính chất trang trí, cũng có khi tạc trên các phù điêu kể các câu chuyện thần thoại, hay dưới dạng linh vật huyền thoại đầu voi mình sư tử (Gajasimha), cũng có khi là vật cưỡi Airavata của thần Indra, và dạng thức vô cùng đặc biệt là vị thần Ganesha với chiếc đầu của con voi và phần thân của con người. Hình ảnh voi xuất hiện nổi bật tại Mỹ Sơn thể hiện giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ độc đáo, cũng vừa thể hiện sự sùng bái của tín đồ đối với các linh vật huyền thoại và thể hiện niềm tin tôn giáo tín ngưỡng sâu sắc của người xưa đối với thần Ganesha, bên cạnh vị thần chủ Shiva.
1.Voi trong đời sống
Voi, loài vật đã xuất hiện từ rất lâu đời trên trái đất và gắn liền với đời sống con người nguyên thủy cho đến tận ngày nay. Với những điểm đặc biệt riêng có, voi là loài động vật có vú trên cạn lớn nhất, cùng với kích thước khổng lồ thì sức mạnh khủng khiếp của voi có thể sánh ngang với chúa tể rừng xanh như sư tử, hổ, báo. Voi cũng là một trong những loài thú sống lâu nhất, có thể sống thọ từ 60 đến 80 năm tuổi. Ngoài ra, đây còn là loài động vật rất thông minh, tình cảm, vô cùng khéo léo, khả năng học hỏi và thích nghi với nhiều loại môi trường sống một cách nhanh chóng, cùng với đó là khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con non chu đáo và sự gắn kết bầy đàn vô cùng mạnh mẽ. Voi không chỉ là phần không thể thiếu trong hệ sinh thái hoang dã mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh văn hóa, tôn giáo và đời sống xã hội của con người. Trong xã hội Champa, với những đặc tính trên, voi trở thành người bạn trong cuộc sống hằng ngày của người xưa, là những tùy tùng quan trọng của các vị vua, vị tướng trong các cuộc chiến, voi cũng trở thành phương tiện vận chuyển vật liệu để xây dựng đền tháp, voi còn xuất hiện trong các câu chuyện cổ Champa và trở thành hình ảnh trang trí trên các sản phẩm thủ công như gốm, và trang phục truyền thống.
2. Voi trong điêu khắc trang trí
Hình ảnh trang trí voi trong kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn rất phổ biến. Có thể nhìn thấy trang trí chạm khắc hình đầu voi ở phần chân tháp, thân tháp, mái tháp. Hình tượng đầu voi có thể được chạm khắc đang ngậm búp sen, hoặc đầu đội đài hoa sen có người cưỡi, hoặc duyên dáng đứng bên cạnh sư tử trước tòa sen… Hiện nay chỉ có thể còn nhìn thấy những hình ảnh này tại Mỹ Sơn ở các công trình như B5, B6, D1, A1. Và còn rất nhiều mảng trang trí voi khác quanh chân tháp, thân tháp hoặc các tầng mái nhưng đã hoàn toàn bị vỡ vụn hoặc biến mất do các biến cố của lịch sử. Đặc biệt, trang trí voi được nhìn thấy dưới vòm cuốn cửa sổ hướng Đông và Tây của tháp B5, đó là hình ảnh cặp voi chầu, một chân trước của cả hai voi đều trong tư thế chuyển động nhẹ, duyên dáng đấu vòi vào nhau dưới tán cây xoài, trên cây còn có cặp chim cú, tổng hòa cả bức tranh không chỉ mang tính thẫm mỹ mà còn mang ý nghĩa về sự giàu có và thịnh vượng. Thể loại điêu khắc hình tượng voi chầu trên gạch này hiếm thấy tại các di tích Champa khác. Nó trở thành một trong những bức chạm sinh động nhất của phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ X. Tuy nhiên, dù có thể thấy hình tượng điêu khắc trang trí voi rất rõ nét tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhưng vẫn chưa tìm thấy hình ảnh hay tư liệu nào nhắc về các pho tượng tròn độc lập của voi tại đây dù dạng thức này khá phổ biến tại kinh thành Simhapura, Kinh thành Indrapura, hay kinh thành Vijayja.
3.Thần voi Ganesha
Trong văn hóa Hindu, đặc biệt là tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, biểu tượng voi được khắc họa đa dạng, trong đó hình ảnh voi được thần hóa trở thành vị thần Ganesha là rất phổ biến. Ganesha đóng vai trò như một vị thần trong Hindu giáo vào đầu thế kỷ thứ 2, và trở thành vị thần quan trọng trong tôn giáo này vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5 sau Công nguyên, trong thời kỳ Gupta. Thần Ganesha với rất nhiều tên gọi như Ganapati, Vinayaka, và Pillaiyar. Chiếc đầu voi của thần tượng trưng cho sự thông thái, sự điềm tĩnh, khả năng loại bỏ chướng ngại vật, là biểu tượng của lòng từ bi và sức mạnh tâm linh. Thân người của thần biểu thị sự khéo léo và sức mạnh vật lý. Thần thường được mô tả với 4 cánh tay, mỗi tay cầm một vật phẩm biểu tượng như rìu (phá hủy những trở ngại, xóa bỏ dục vọng và ảo tưởng), dây thòng lọng (kéo con người ra khỏi rối ren), cây bút từ cái ngà bị gãy của thần (trí tuệ), … Cũng như các vị thần quan trọng khác trong Hindu giáo, thần voi Ganesha cũng gắn liền với con vật trung thành đồng thời là vật cưỡi của thần đó là con chuột, biểu tượng cho khả năng kiểm soát và chinh phục ham muốn vật chất. Thần thoại kể về thần Ganesha rất phong phú và nhiều dị bản, nhưng truyền thuyết phổ biến nhất về kể về sự ra đời của ngài rằng ngài được tạo ra từ đất dơ trên da của người mẹ mình là Pavati, vợ của thần Shiva. Từ đó, bà đã giao nhiệm vụ cho Ganesa canh cửa mỗi khi bà tắm. Thần Shiva, bố của Ganesha, khi trở về nhà không hề biết người con trai khôi ngô tuấn tú trước mặt chính là con trai của mình, trong cơn tức giận vì ghen tuông, Shiva đã chặt đứt đầu của chàng thanh niên ấy. Chính việc này đã làm cho Shiva vô cùng hối hận khi biết rõ sự thật. Để bù đắp cho sai lầm của mình và xoa diệu nỗi đau buồn của Pavati, ngài đã vội đi tìm một cái đầu khác nhằm hồi sinh con trai. Chiếc đầu voi đã được lựa chọn để thay thế, và từ đó Ganesha được hồi sinh dưới dạng đầu voi và mình người. Thần là biểu tượng của trí tuệ, và là sự khởi đầu hanh thông, may mắn.
Trong văn hóa Champa, bên cạnh thần Shiva, thần voi Ganesha là một trong những vị thần phổ biến và được thờ cúng nhiều nhất. Minh chứng còn lại là các bức tượng và đền thờ Ganesha được tìm thấy tại các di tích kiến trúc tôn giáo Champa dọc miền Trung Việt Nam, trong đó, khu đền tháp Mỹ Sơn là ví dụ điển hình về hình thức thờ cúng vị thần này. Đặc điểm chung của hình tượng Ganesha được tìm thấy tại các di tích Champa hầu như được chạm khắc dưới dạng tượng tròn hoặc phù điêu mang tính thần thoại, chất liệu chủ yếu là từ sa thạch. Thần có thể được điêu khắc có 4 tay hoặc hai tay, và hầu như đều cầm các vật thiêng trong bàn tay của mình như cái ngà, bát mật hoặc cái chén kẹo (modaka), chiếc rìu nhỏ (parasu), dây lòng lọng, cây củ cải (mulakakanda), chuỗi tràng hạt (aksamala). Thần Ganesha thường được chạm khắc trong tư thế ngồi xếp bằng, nhìn thẳng trực diện, với cái vòi dài, có ba mắt nhưng chỉ với một cái ngà, khuôn mặt voi được khắc họa sinh động, ngộ nghĩnh, rất thực, nhưng cũng rất thần, thân hình thì to khỏe, mủm mỉm, cái bụng tròn to giàu sinh khí. Thần mặc chiếc sampot, trang trí bằng đai rắn quấn quanh thân đặc trưng giáo phái Shiva.
4.Thần voi Ganesha tại di tích Mỹ Sơn
Tại Mỹ Sơn, trong đợt khai quật khảo cổ học toàn diện từ ngày 11/3/1903 cho đến ngày 03/02/1904, nhà khảo cổ học Henri Parmentier và Charles Carpeaux (1870-1904) cùng các cộng sự đã phát hiện ra nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có 2 pho tượng tròn Ganesha được phát hiện tại tháp E5 và tại đền B3, cùng thời gian đó cũng phát hiện hai bức phù điêu tại đền F1 và tại đền A’1 có hình ảnh Ganesha. Theo ảnh chụp của Chales Carpeaux và bản vẽ của H.Parmentier, trước năm 1909 bức tượng Ganesha E5 vẫn còn khá nguyên vẹn. Tượng được tạo tác bằng sa thạch với kích thước tương đối nhỏ, chiều cao tượng 0,95m, có bốn tay, đứng trên một bệ yoni (hiện đang trưng bày trước công trình Mỹ Sơn E5). Dựa vào những vật thiêng trong tay thần như chiếc rìu nhỏ (parasu), chuỗi tràng hạt (aksamala), cây củ cải (mulakakanda), và cái chén kẹo (modaka) cùng những thuộc tính của chúng, cũng như những điêu khắc chi tiết trên bức tượng, theo nhận định của các học giả Pháp, và các chuyên gia thì tác phẩm điêu khắc thần Ganesha E5 là tác phẩm điêu khắc tượng tròn duy nhất có chiếc đai của sampot thể hiện hình mặt cọp, một biểu hiện của giáo phái Shiva, và là tác phẩm điêu khắc tượng tròn hoàn chỉnh lâu đời nhất trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật Chăm được tìm thấy. Tượng này cũng là tác phẩm Ganesha duy nhất trong tư thế đứng có bốn tay được tìm thấy tại các di tích Hindu cổ trong khu vực Đông Nam Á. Ở tác phẩm Ganesha E5, chúng ta vừa thấy những điểm chung của của những biểu hiện Ganesha trong nghệ thuật Ấn Độ, vừa phảng phất đâu đó nét ảnh hưởng nghệ thuật Khơme tiền Angkor, nhưng cũng có những nét riêng độc đáo của nghệ thuật mang tính bản địa. Tác phẩm được đánh giá có niên đại vào thế kỷ thứ VIII, mang phong cách sớm Mỹ Sơn E1. Cũng trong tư liệu của các học giả Pháp, tượng thần Ganesha phát hiện tại B3 vào năm 1903, được đặt trong vajrasana, một điều hiếm thấy tại Champa, khác với tượng Ganesha E5, tượng Ganesha B3 dù được tạo tác cũng từ sa thạch nhưng trong tư thế ngồi, chỉ với hai tay cầm bát bánh ngọt và chiếc ngà bị gãy. Mọi trang trí đều giản lược hơn tượng Ganesha E5. Tác phẩm được đánh giá có niên đại vào thế kỷ thứ X. Cả hai pho tượng Ganesha E5 và B3 đều được đưa về trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chăm vào năm 1918.
Ngoài tượng tròn, hình ảnh Ganesha còn được tìm thấy trên bức phù điêu mi cửa đền thờ F1, diễn tả một câu chuyện về cuộc chiến giữa thần shiva và quỷ vương Ravana trong thần thoại Ấn Độ. Ở đây, cùng với các nhân vật khác trong bức chạm, thì thần Ganesha được chạm khắc rõ nét trong tư thế ngồi, cái đầu voi nghiêng qua bên phải hướng về thần Shiva, thần với bốn tay, đối với hai tay trước, tai trái cầm một cái chén cạn, và tay phải cầm một cây củ cải; còn hai tay sau, tay trái cầm một cái rìu nhỏ, và tay phải cầm chuỗi tràng hạt hoặc dây thòng lọng, thần ngồi trong tư thế đặc biệt, hai chân chéo vào nhau, hai mu bàn chân lật ra phía trước, đặc điểm đặc biệt này cùng với những thuộc tính miêu tả ở trên giống với các thuộc tính của tượng Ganesha E5, chỉ xuất hiện trong điêu khắc sớm tại Champa, và được đánh giá có niên đại vào thế kỷ VIII – IX. Hiện trạng, bức phù điêu không còn lành lặn, vỡ hết nữa phần trên, và được trưng bày tại nhà D2, khu đền tháp Mỹ Sơn. Dù bức phù điêu bị vỡ nặng, nhưng với những đặc điểm nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ thứ VIII-IX, tấm lá nhĩ Mỹ Sơn F1 được xác định là tác phẩm điêu khắc cổ nhất khu vực Đông Nam Á thể hiện câu chuyện quỹ vương Ravana lay chuyển núi Kailasa. Một tấm lá nhĩ lớn khác bằng sa thạch cũng được tìm thấy tại Khu A’, kiến trúc A’1, thể hiện điệu múa vũ trụ của Thần Shiva. Bên cạnh các nhân vật gồm thần Shiva với mười sáu cánh tay đang múa ở vị trí trung tâm trên lưng quỹ lùn Apasmarapurusa, nữ thần Parvati, thần Skanda, các vị thánh gầy, các vị thần hộ pháp, thì hình ảnh thần Ganesa được miêu tả rất sinh động và đang chiêm ngưỡng vũ điệu thần thánh của cha mình. Đây là một trong số những bức phù điêu độc đáo khắc họa cả gia đình thần Shiva ở giai đoạn sớm tại Mỹ Sơn.
Việc phát hiện ra các hiện vật này không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định việc thờ cúng thần Ganesha tại Champa và các quốc gia cổ đại tại Đông Nam Á, mà còn góp phần định hình rõ nét các phong cách nghệ thuật tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.
5. Gajasimha (voi - sư tử)
Gajasimha được xem là linh vật huyền thoại có nguồn gốc từ Ấn Độ, trong Tiếng Phạn có nghĩa là “voi-sư tử”. Hình ảnh voi đại diện cho thế giới dưới nước, trong khi sư tử tượng trưng cho thế giới trên mặt đất, còn có ý nghĩa khác voi đại diện cho trí tuệ, sự minh mẫn sáng suốt, còn sư tử đại diện cho sức mạnh. Biểu tượng kết hợp này thể hiện vai trò bảo hộ của voi tại nơi thờ tự.
Rất nhiều phù điêu Gajasimha được tìm thấy trong các đợt khai quật tại Mỹ Sơn. Gajasimha tại Mỹ Sơn cũng mang những nét đặc trưng của các Gajasimha Champa, được tạo tác trên cả sa thạch và gạch nung, tượng tròn và cả phù điêu, thường được miêu tả trong tư thế đang đi, đầu voi với chiếc vòi dài và cái đuôi sư tử được điêu khắc sinh động, đầu đội vương miện và thân mặc áo giáp được trang trí cầu kỳ, được đặt ở những vị trí quan trọng của kiến trúc đền thờ vừa mang tính thẩm mỹ, vừa là vị thần bảo vệ đền tháp. Tuy nhiên, vị thần lưỡng hợp Voi-sư tử tại Mỹ Sơn không to lớn, đồ sộ, và điêu khắc cầu kỳ như những Gajasimha được tìm thấy tại tháp Chiên Đàn, tháp Mẫm, và các di tích Chăm khác giai đoạn thế kỷ thứ 12 trở về sau, nhưng vẻ đẹp của Gajasimha tại Mỹ Sơn là sự nhỏ nhắn, tỉ lệ cân đối, nét chạm vừa ngộ nghĩnh vừa rất chân thật, điêu khắc hoa văn trên đầu và thân không quá cầu kỳ nhưng vẫn thể hiện được sự tinh tế, ấn tượng, và uy quyền, những bức chạm này thường được đặt trên một trong các tầng mái của cấu trúc thượng tầng, có các chi tiết đặc trưng của phong cách Mỹ Sơn A1 thế kỷ thứ X. Hiện nay, nhiều phù điêu Gajasimha bằng sa thạch đang trưng bày tại nhà D2 của Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ngoài ra, trong quá trình khai quật để nghiên cứu và trùng tu Khu G tại đây, các chuyên gia Ý đã phát hiện ra bảy bức tượng Ganesha bằng đất nung đã bị vỡ thành nhiều mảnh trong đống đổ nát của khu đền, một số hiện đang trưng bày tại bảo tàng Mỹ Sơn.
6.Thần voi Airavata, vật cưỡi của thần Indra
Trong thần thoại Ấn Độ, Thần sấm sét Indra, ngài là lãnh chúa nơi thiên đường, có khả năng thống trị mưa bão, sấm sét, ngài là biểu tượng của lòng trung thành và là vua của các thần. Indra còn được xem là vị thần chiến binh, bảo vệ thế giới chống lại lực lượng ác quỷ và đem lại mưa để nuôi dưỡng mùa màng. Trong Hindu giáo, voi trắng Airavata chính là vật cưỡi của ngài, biểu trưng cho sức mạnh, và lòng trung thành tuyệt đối. Tại nhóm B, nhóm A của khu đền tháp Mỹ Sơn, các chuyên gia đã từng phát hiện các tượng và phù điêu thần Indra cưỡi voi, nhưng không may hầu như các tượng và phù điêu này đều vỡ. Đây là một trong số các vị thần phụ (dikpakala) được thờ trong các ngôi miếu phụ xung quanh ngôi đền Mỹ Sơn B1, và A1. Niên đại của những hiện vật này thuộc phong cách Mỹ Sơn A1 thế kỷ X, nhưng xét về thần thái tươi tắn, nét điêu khắc trau chuốt hơn, duyên dáng hơn thì Indra cưỡi voi tại nhóm A có vẻ muộn hơn nhóm B.
7.Kết luận
Với những nét đặc trưng riêng biệt, voi không những có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Champa, mà còn có vai trò quan trọng trong kiến trúc và tôn giáo của họ. Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, voi đã được khắc họa một cách sinh động, đa dạng và phong phú. Dù là động vật trang trí, hay linh vật huyền thoại, dù là vật cưỡi, hay thần voi Ganesha, dù được thể hiện dưới dạng tượng tròn, phù điêu hay trang trí đế, góc, tầng mái, dù là thể hiện trên gạch, đất nung, hay sa thạch, thì hình ảnh voi tại Mỹ Sơn cũng được khắc họa đầy sinh khí, ngộ nghĩnh, duyên dáng, chân thực, nhưng cũng rất thần, thể hiện được tư duy thẩm mỹ và tài năng sử dụng vật liệu điêu khắc tuyệt vời của người xưa. Dù thời gian, chiến tranh và con người đã tàn phá nặng nề Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhưng những dấu ấn về hình tượng voi tại Mỹ Sơn qua điêu khắc trang trí kiến trúc, và đặc biệt là hai bức tượng tròn thần Ganesha vô cùng quý giá (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng), đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của khu di tích đền tháp Mỹ Sơn so với các di tích Champa khác cũng như so với các nước chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo ở Khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng góp phần định hình rõ nét cho các phong cách nghệ thuật Champa, khẳng định giá trị thẩm mỹ thấm đẫm niềm tin tôn giáo của người Chăm xưa, giúp ta khẳng định thêm về tầm quan trọng của vùng đất thờ cúng thần Shiva và gia đình của ngài tại vùng đất thiêng liêng này.
Hoàng Oanh
Tài liệu tham khảo:
- AFAO-EFEO - Paris 1997. Le Musée de Sculpture Cam de Đá Nẵng.
- Wendy Doniger O’Flaherty. Thần Thoại Ấn Độ. NXB Mỹ Thuật 2005.
- A G Mitchell. Hindu Gods and Goddesses. UBSPD Ltd. New Delhi.Bombay. Bangalore. Madras Calcutta. Patna. Kanpur. London. Eighth Indian Reprint 1996.
- Trần kỳ Phương & Bùi Chí Trung. Phế Tích MỸ SƠN cánh cửa mở vào nghệ thuật cổ CHAMPA. NXB Đà Nẵng 2021.
- Hồ Anh Thái. Namaskar! Xin chào Ấn Độ phác họa một đất nước. NXB Nghệ thuật 2008.
- Huỳnh Thị Được. Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ. NXB Đà Nẵng.
- Trần Kỳ Phương. Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm. Nhà xuất bản Đà Nẵng 1988.
- Emmanuel Suillon. Cham Art Treasure from the Đà Nẵng Museum - Việt Nam. Thailan 2001.
- Trịnh Quang Vũ. Lược sử Mỹ Thuật Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội 2002.
- BQL DSVH Mỹ Sơn. Từ nguồn xuống biển, vết tích văn hóa Champa xứ Quảng.
12 Tháng 7,2024
Chia sẽ mạng xã hội
- LỄ KỶ NIỆM 25 NĂM KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI (4/12/1999 – 4/12/2024) (04.12.2024)
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)