Trong 2 ngày 6 và 7 tháng 12, tại khu di tích Mỹ Sơn, Viện Bảo tồn Di tích phối hợp với Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức hội thảo khoa học: Quy trình kỹ thuật trùng tu đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G.
Quang cảnh hội thảo
Tham gia hội thảo có PGS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch hội đồng kiến trúc. Tiến sỹ khảo cổ học Lê Đình Phụng, TS.KTS Hoàng Đạo Cương - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VH,TT&DL), cùng sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý các di tích, bảo tàng Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng cho rằng: Phương pháp trùng tu khoa học giúp cho các nhóm tháp vốn đứng trước nguy cơ trở thành phế tích nay đã ổn định kiến trúc, giữ được nguyên vẹn các giá trị gốc, mở ra cơ hội và có thêm lựa chọn để các chuyên gia đưa ra giải pháp trùng tu nhóm tháp E, F.
Phát biểu đánh giá kết quả về kỹ thuật trùng tu từ thực tiễn tại hai nhóm tháp G (2003-2013) và dự án tháp E7 (2011-2015), Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: những giải pháp kỹ thuật tiên tiến và phù hợp với thực tiễn, điều kiện tự nhiên. Các chuyên gia đã làm tốt công tác khai quật, khảo cổ đi đôi với bảo quản, tu bổ di tích. Việc lựa chọn giải pháp ưu tiên khắc phục tình trạng xuống cấp, sau đó mới tiến tới phục hồi từng phần, bảo vệ được nguyên vẹn các giá trị cổ xưa của di tích là thành công đáng được ghi nhận.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn cho rằng: Dự án hợp tác trùng tu tháp E7 và nhóm tháp G được ba bên là Việt Nam – UNESCO – Italy phối hợp thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực nhiều mặt trong việc trùng tu các khu đền tháp trong Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động trùng tu tháp E7 và nhóm tháp G mang lại kết quả lớn trong công tác bảo tồn và phát huy di tích sau khi trùng tu.
Đây là hội thảo chuyên sâu về kỹ thuật, với sự tham góp về khoa học của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã và đang thực hiện công tác trùng tu di tích tại Mỹ Sơn. 8 tham luận tại hội thảo đã đánh giá thành quả can thiệp và kết quả ứng dụng nghiên cứu khoa học đã được áp dụng thành công vào thực tiễn trùng tu di tích ở Mỹ Sơn. Hầu hết các kết luận đánh giá về quy trình bảo tồn trùng tu các chuyên gia đều cho rằng nguyên tắc cơ bản nhất là bằng mọi cách duy trì di tích ở hiện trạng, không để hư hỏng thêm, giữ gìn ở mức tối đa các giá trị nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử. Tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi trên cơ sở những hiểu biết chắc chắn thông qua những nghiên cứu đa ngành, toàn diện, khoa học. Hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sai lệch gái trị gốc.
Hình ảnh về hội thảo:
Ảnh: Văn Thọ
T. Minh
08 Tháng 12,2018
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)
- PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI MỸ SƠN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN – KẾT NỐI DU LỊCH XANH (05.11.2024)