1. Quá trình phát hiện, nghiên cứu, trùng tu
Đền A10 thuộc nhóm A, Khu đền tháp Mỹ Sơn được khai quật trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 1903 đến tháng 2 năm 1904. Từ khi phát hiện và khai quật, ngôi đền này đã là một phế tích. Di tích này đã được thống kê khảo tả, nghiên cứu và công bố bởi Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) qua các xuất bản của H. Parmentier vào các năm 1904, 1909, 1918. Từ năm 1936 đến 1942, góc Tây Nam của đền A10 cũng được trùng tu bằng vữa xi măng và gạch của di tích bởi EFEO. Trong thời gian chiến tranh, di tích này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là vào năm 1969. Công việc phát quang sau chiến tranh cũng được tiến hành, tuy nhiên A10 chưa được phát lộ và trùng tu. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2020, đền A10 được dọn dẹp, phát lộ, khai quật để trùng tu trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ với diện tích 400m2. Công việc này đã làm lộ toàn bộ di tích và nhiều hiện vật bị vùi lấp và bao phủ bên trong và ngoài đền A10.

2. Kết quả phát lộ
Di tích
Ngôi đền A10 có niên đại khoảng cuối thế kỷ 9 SCN thuộc cuối phong cách Đồng Dương. Ngôi đền này cũng như các công trình thuộc khu A được xây dựng trên một mô đất thấp, có tường bao vuông vức và suối vây quanh. Đền A10 nằm về góc Đông Bắc khu A, phía Nam là đền A1 được xây sau và chồng lên chân đền A10, phía Tây là suối Khe Thẻ. Đền A10 và A1 là hai đền thờ chính của nhóm A đều quay về hướng Tây và thờ thần Shiva qua biểu tượng linga.
Theo Henri Parmentier Parmentier, H., & Finot, L., (1904:19, 20), hiện trạng đền A10 vào đầu thế kỷ 20 cho thấy: Công trình này khi phát hiện hầu như đã sập toàn bộ phần mái và thân tháp, chỉ còn lại mảng tường ở góc Tây Nam cao hơn 8m. Tường Nam còn lại cũng cho thấy một phần đồ án trang trí thân đền, ở thân chính có các vòm cửa lớn trên các cửa giả, cột bát giác trang trí và áp tường, các lá nhĩ. Trang trí dày đặc các mô típ đặc trưng của giai đoạn cuối phong cách Đồng Dương như kiểu trang trí bó hoa-hình đàn lia (lyre) và hình sâu loăn xoăn rối rắm (Stern P. (1942:30). Lòng đền A10 tương đối vuông (4m60 x 4m70), ở giữa là đài thờ và hố thiêng đã bị xáo trộn. Các hốc đèn ở các mặt tường trong vẫn còn nhìn thấy. Bậc cấp vào đền còn nguyên vị. Các mặt tường còn lại chỉ là tường thấp.
So với hiện trạng di tích khi phát hiện vào đầu thế kỷ 20, mảng tường phía Nam và tường các mặt còn lại đã bị sập và thấp xuống khá nhiều. Mặt tường Nam từ hơn 8m đến nay chỉ còn khoảng 2,5m. Mất đi hoàn toàn các vòm cửa lớn, các đầu trụ áp tường. Góc Tây Nam bị sụt lún, tường có nhiều vết nứt, các khối gạch mất liên kết. Phần đế tháp và tường thân tháp còn lại ở các mặt phía Đông, Tây và Bắc chỉ nhìn thấy phần lỏi tường và vài vị trí nhỏ còn mặt tường gốc ở phần đế tháp. Các trụ cửa và khung cửa phần tiền sảnh sập hoàn toàn. Tường mặt Nam chỉ còn một mảng tường thấp có trang trí. Nhiều thành phần kiến trúc bị vỡ trong thời gian chiến tranh. Trong lòng đền, mặt nền nguyên gốc xung quanh hố thiêng vẫn còn tuy nhiên bị bong ra một số vị trí. Linga-Yoni liền khối và hai khối đá thuộc đài thờ A10 nằm dưới lòng hố thiêng như khi được phát hiện vào đầu thế kỷ 20 (sâu gần 2m), và bị bồi lấp bởi gạch vỡ lẫn đất. Phần tiền sảnh hầu như sập hoàn toàn, bậc cấp vào đền có bảy cấp đá sa thạch bị xê dịch.

Di vật
Trong quá trình phát lộ và vệ sinh trong và xung quanh đền A10, nhiều hiện vật đã xuất lộ. Bên cạnh các hiện vật thuộc đài thờ Mỹ Sơn A10, những di vật này phần lớn là thành phần kiến trúc thuộc đền A10 và các hiện vật có thể thuộc các công trình được xây dựng trước đó. Một số hiện vật tiêu biểu như sau:
- Thành phần thuộc khung cửa đền A10: Thành phần này gồm 03 hiện vật là một cặp trụ vuông và một lanh tô. Hai trụ vuông có kích thước tương đối đồng đều: cao 252cm x ngang 33cm x dày 34cm. Trụ bên trái của đền bị gãy nhưng đã được nối lại trong đợt trùng tu này. Lanh tô có kích thước: dài 200cm x ngang 55cm x 39cm. Lanh tô giậc cấp và có hai lỗ tròn ở hai đầu. Hai lỗ tròn là nơi cố định đố đứng của cửa đền có thể là cửa gỗ. Lanh tô bị nứt gãy một đầu nhưng đã ghép lại.
- Hai trụ cửa có trang trí:
Hai trụ bát giác trang trí nằm trước đền A10 có kích thước tương đối bằng nhau: Cao 255cm x ngang 50cm x dày 50cm. Trụ bên trái của đền A10 bị gãy và đá sa thạch bị tách lớp nhưng đã được ghép lại. Phần bát giác có trang trí các gờ, chỉ ở giữa và hai đầu hướng bên ngoài, phần dẹp áp vào tường. Trụ bên phải còn khá nguyên vẹn. Hai cặp trụ này đã tái định vị do xác định được vị trí nguyên gốc qua các đố cửa và tán trụ còn nguyên vị.
-Đài thờ A10
Lần đầu tiên đài thờ A10 được ghép hoàn chỉnh từ 17 khối sa thạch và nhiều mảnh vỡ, gồm linga-yoni liền khối và phần bệ thờ có trang trí. Đài thờ có kích thước: cao 226cm, dài 269cm, rộng 258cm. Phần đế đài thờ trang trí các vòm cửa nhỏ với tu sĩ đứng hoặc ngồi bên trong. Xen kẽ là các khung có viền và trụ áp tường mô phỏng kiến trúc đền A10.
-04 đế trụ:
Bốn đế trụ có kích thước tương đối giống nhau cao 49cm x 38,5cm x 38.5cm, gờ lõm để ôm vào góc đài thờ A10 có kích thước cao 21 x 6cm x 6cm, 04 đế trụ này có thể thuộc đền A10. Có thể là đế trụ của một cấu kiện gỗ giống như janut dùng che đài thờ bên trong đền.
-Hai trụ bát giác:
Hai trụ có kích thước tương đối giống nhau (cao 167,5cm, đường kính gốc 23cm, đường kính ngọn 19cm), đầu gốc lớn hơn đầu ngọn, phần bát giác không đều. Ở phần gốc không có chốt hoặc lỗ mộng. Nhưng phần đầu trụ có lỗ mộng tròn đường kính 6,5cm, lỗ sâu 18cm. Ở đầu trụ được khắc vành tròn bên ngoài. So về kích thước, cặp trụ này thấp và nhỏ hơn nhiều so với hai cặp trụ thuộc đền A10 và vị trí nằm sau đền. Chất liệu là đá sa thạch tím. Hai trụ này không thuộc đền A10 hiện nay. Dường như mô phỏng các trụ gỗ của các công trình trước đó.
-Bệ thờ hình tròn:
Bệ thờ tròn (cao 95cm x đ.k 114cm) từ 03 khối đá xếp chồng lên nhau. Có văn khắc một dòng trên thân đài thờ. Có thể đây là phần bệ đỡ của một tượng thờ mà chưa biết nó thuộc ngôi đền nào.
-Đế bia đá:
Di vật tìm thấy cách 5m sau đền A10, có kích thước: rộng 77cm x ngang 47cm x cao 28cm. Ở giữa là lỗ mộng vuông có thể là nơi đặt chốt của văn bia có kích thước: 22cm x 12,5cm x sâu 12cm. Trang trí chỉ tròn và giật cấp xung quanh. Vỡ trên bề mặt, chất liệu sa thạch xám.
3. Nhận xét
- Việc phát lộ đền A10 và các hiện vật thuộc ngôi đền này là nhằm phục vụ cho công tác trùng tu. Nhiều hiện vật là những thành phần kiến trúc của đền A10 đã phát lộ, nghiên cứu về công năng của mỗi hiện vật để xác định thuộc thành phần nào của ngôi đền và đã tái định vị nhiều hiện vật như hai trụ cửa trang trí, các thành phần thuộc khung cửa, và đài thờ A10. Việc xác định được vị trí và công năng của các thành phần kiến trúc và trả lại vị trí ban đầu đã làm rõ hơn diện mạo và chức năng của kiến trúc.
- Các hiện vật tìm thấy sau đền A10 mà không thuộc ngôi đền này; việc tái sử dụng lại một số thành phần kiến trúc làm bậc cấp A10; việc tái sử dụng đố cửa là những thành phần thuộc công trình đã xây dựng trước đó cho thấy rằng đã từng có kiến trúc xây dựng trước đền A10 mà chúng ta thấy hiện nay. Điều này góp thêm thông tin trong nghiên cứu về kiến trúc sớm tại nhóm A, nơi phát hiện văn bia sớm nhất của di tích Mỹ Sơn.
- Trong quá trình phát lộ hầu như không tìm thấy ngói trong lòng cũng như xung quanh đền A10 nên công trình này có thể có phần mái xây hoàn toàn bằng gạch mà không sử dụng ngói. Chưa tìm thấy lá nhĩ (tympan) ở phần tiền sảnh, không tìm thấy trang trí góc, chóp tháp bằng sa thạch hay đất nung điều này cho thấy rằng, có thể đã dọn dẹp lúc khai quật từ đầu thế kỷ 20 khi ngôi đền A10 này sập đổ trước đó. Hoặc có thể ngôi đền này không có những thành phần kiến trúc đó.
- Việc phát lộ, nghiên cứu, sắp xếp hoàn chỉnh đài thờ A10 đã làm rõ chức năng của công trình đền A10 là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Shivalinga. Đồng thời đài thờ cũng là di vật quan trọng trong nghiên cứu quá trình phát triển lịch sử nghệ thuật tại di tích Mỹ Sơn nói riêng và Champa nói chung.
Nguyễn Văn Thọ, Lê Văn Minh, Lê Văn Cường
(Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn)
Jalihal Ranganath
(Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI))
Tài liệu dẫn
Baptiste, P., 2005. Missions archéologiques françaises au Vietnam: Les monuments du Champa : photographies et itinéraires, 1902-1904. Paris: Indes savantes : Etablissement public du Musée des arts asiatieques-Guimet. Parmentier, H., & Finot, L. 1., 1904. Le cirque de Mi-son (Qu'ang nam). 1. Les monuments. Hanoi: Schneider. Parmentier, H.,1909. Inventaire descriptif des monuments čams de l'Annam. ParisLeroux, tome I, Parmentier,H.,1918.Inventaire descriptif des monuments čams de l'Annam. ParisLeroux, tome II Stern, P., 1942. L'art du Champa (ancien Annam) et son évolution. Toulouse: Les frères Douladoure.
25 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- Mỹ Sơn, 30 năm qua - Mỗi ngày một bài học (24.02.2025)
- VÀI DÒNG CẢM NGHĨ (24.02.2025)
- MỸ SƠN TRONG TÔI (24.02.2025)
- CÔNG TÁC GIÁO DỤC DI SẢN TẠI DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI MỸ SƠN (25.02.2025)