Thánh địa Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo không những cho tiểu vương quốc Amaravati mà cả vương quốc Champa một thời gian dài, được xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ IV đến XIII, cách kinh đô Simhapura Trà Kiệu 18km, cách thành phố Đà Nẵng 68km hướng Tây – Nam. Sự xây dựng và phát triển Mỹ Sơn có liên quan ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn, vùng phụ cận có liên quan trực tiếp nhiều với thánh địa kể dấu vết vật chất cũng như phi vật chất .
Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc được xây dựng bằng các vật liệu gạch và đá là chủ yếu, trong khi đó vùng đất Mỹ Sơn được quan niệm là vùng đất thiêng nên mọi vật liệu ở đây không được khai thác. Vậy nơi lấy đất để làm gạch và đá ở đâu ? Vết tích cư dân sinh sống quanh vùng thánh địa có không ? Để trả lời các câu hỏi này chúng tôi thực hiện nhiều chuyến điền dã vùng phụ cận may mắn đã có những kết quả ban đầu khá khả quan.
Nơi lấy đất để làm gạch: Một khu đất trũng rộng lớn mà người dân địa phương gọi là Ao Vuông và cũng truyền miệng rằng đây là nơi người (Hời) Champa lấy đất làm gạch để xây Tháp. Ao Vuông thuộc làng Ao Vuông, thôn Mỹ Sơn xã Duy Phú cách Mỹ Sơn chừng 3km về hướng Tây-Bắc. Ao có diện tích khoảng 10.000 m2 sâu từ 3 đến 3.5m hiện tại người dân địa phương đã cải tạo để canh tác nuôi cá, trồng lúa, trồng sen. Qua nhiều giai đoạn khác nhau quá trình thâm canh cũng làm thay đổi biến dạng di tích không còn vuông như đúng tên gọi trước kia mà thực tế ao gần giống hình bán nguyệt (Ở vùng phụ cận di tích Đồng Dương huyện Thăng Bình cũng có địa danh Ao Vuông tương tự).
Vết tích lấy đá sa thạch: Ở thôn Trung Sơn, thôn Mỹ Sơn xã Duy Phú nơi trước đây có nhiều mỏ đá gồm đá sa thạch hạt to, sa thạch mịn, màu xanh nhạt, màu xám... hiện nay người dân địa phương tiếp tục khai thác số đá còn lại để xây nhà, sân hay các nhu cầu xây dựng cần thiết khác. Do đó vết tích khai thác của người Chăm đã bị thay đổi còn lại rất ít. Địa bàn khai thác đá của người Chăm còn rộng ra đến vùng xã Duy Tân, xã Duy Thu cách Mỹ Sơn 7 đến 10km ( vết tạo tác của người Chăm trên đá dễ dàng nhận ra đó là lổ chạm để chẻ đá khá to và sâu ,vết đục thô).
Lăng Bà Thu Bồn: Tọa lạc ở làng Thu Bồn Tây, xã Duy Tân cách Mỹ Sơn 8 km về hướng Tây - Bắc, thờ Bà Pô Pô nữ tướng người Chăm tương truyền Bà là người có công giúp đỡ dân nghèo, chữa bệnh cứu người, từng là nữ tướng trong lúc lâm nguy đã tử trận ở sông Thu Bồn người dân nhớ ơn đức của Bà mà lập lăng thờ tại đây. Dân cư địa phương còn duy trì lễ hội hằng năm vào hai ngày 11 và 12 âm lịch, phần lăng hư hỏng nhiều lần qua thời gian và chiến tranh công trình kiến trúc hiện tồn được xây lại cách đây mười năm, một kiến trúc hoàn toàn Việt hóa. Chỉ có duy nhất một tấm bia Chăm còn cả đế bia ở phía trước lăng có vài dòng chữ phạn bên mặt trái.
Đình làng Tỉnh Yên : Tọa lạc ở làng An Hòa, thôn Tỉnh Yên, xã Duy Thu, tên vị thần được tôn thờ trong đình không cụ thể, hằng năm vào 16/3 âm lịch dân cư địa phương tổ chức cúng thần tại đây cầu cho an lành, may mắn. Đình làng đã làm mới theo kiến trúc Việt vết tích Chăm còn lại là đống gạch ở bên cạnh, một khối đá hình bán nguyệt (có lẽ là bậc cấp cửa ? ), một bò thần Nandin đã chuyễn về Nhà văn hóa huyện Duy Xuyên và nhiều mảnh đá rơi vải xung quanh đình .. .
Hòn Đá Dựng : Ở Đồng Đá Dựng thuộc đội 6 thôn Trung Sơn xã Duy Phú có hòn đá vuông to nhô hẳn lên mặt ruộng, khối đá gần giống như khối lập phương. Mặt trên có kích thước cạnh Đông dài 283cm, cạnh Bắc dài 275cm, cạnh Tây dài 264cm, cạnh Nam dài 262cm, chiều cao kể từ mặt đất lên 190cm ( phần chìm trong lòng đất hơn 60cm ).
Bề mặt đá có vài khe nứt sâu, nguyên nhân vào những năm thập niên 70 do hạn hán khắt nghiệt kéo dài đã tác động làm đá nứt, có những vết tạo tác thô nhám lồi lãm có chủ ý nhưng khó xác định mục đích ?.Như lời của một số ngươì lớn tuổi ở làng thì đây là phần lỏi đá còn lại những phần đã được lấy đi để dùng cho mục đích xây tháp. Tuy nhiên quan sát kĩ chúng tôi nhận định như sau: Căn cứ vào các mặt đá (trừ mặt trên ) không thấy dấu vết lổ đục chạm để chẻ đá, bốn mặt xung quanh được tạo tác khá trau chuốc bằng phẳng nên các dấu vết khai thác chẻ đá ban đầu không còn, hơn nữa khối đá có bốn mặt Đông -Tây và Nam -Bắc chắc hẳn khối đá được thực hiện có chủ ý đặt để ngay vị trí giữa đồng ruộng. Có thể là bàn tế trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt. Tuy nhiên để có câu trả lời chân xác cần phải có thời gian tra cứu, đối sánh và thực hiện khảo cổ học xung quanh khối đá và những vị trí liên quan để bổ sung những thông tin cần thiết .
Giếng nước cổ Chăm : Ngoài các di tích như nơi thờ tự phục vụ cho các tín ngưỡng tôn giáo, nơi khai thác vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng, giếng nước phục vụ cho sinh hoạt đời sống vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Giếng Thống ở làng Phú Phong, thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân nằm hướng Tây-Bắc cách Mỹ Sơn chừng 6 km giếng gồm 2 phần : Phần trên (thành giếng) tròn phần dưới (lòng giếng ) hình vuông , phần tròn cao 66cm đường kính 108cm được ghép bởi 6 viên đá cong tương đối bằng nhau thành một lớp. Phần dưới vuông cao 186cm gồm 16 thanh đá hình chữ nhật tương đối bằng nhau ghép thành 4 lớp tạo lòng vuông. Ở đáy giếng có tảng đá lớn chiếm gần hết đáy giếng, mực nước hiện tại 184cm kể từ đáy lên.
Giếng Đá ở đội 4 thôn Phú Đa II xã Duy Thu cách Mỹ Sơn chừng 7km nằm về hướng Tây. Thành giếng tròn có đường kính 128cm, được ghép bởi 7 viên đá cong (dài ngắn khác nhau chỉ bằng nhau về chiều cao) thành một lớp, có 3 lớp như vậy cao 77cm . Phần dưới được ghép 12 thanh đá hình chữ nhật lòng giếng mỗi cạnh dài 130cm, đáy giếng có vài thanh đá, mực nước hiện tại 107cm.
Giếng Bốn Trụ ở đội 15, thôn Mỹ Sơn. Phần trên giếng có hình chữ nhật một cạnh 91cm, một cạnh 98cm (phần nầy có dấu vết của người Việt đã sửa chữa bằng vật liệu mới bê – tông, xi -măng). Phần dưới được ghép 12 thanh đá hình chữ nhật lòng giếng mỗi cạnh 92cm, mực nước hiện tại 106cm.
Đặc điểm những giếng Chăm đã khảo sát có những điểm giống nhau là được cộng đồng dân cư lâu đời ưa dùng vì nước trong, ngọt, có nguồn nước dồi dào kể cả những năm khô hạn nhất phần lớn giếng đào của người Việt điều khô kiệt thì những giếng Chăm vẫn là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt người dân địa phương. Hình dáng dễ nhận ra là phần dưới vuông, phần trên tròn, đáy giếng có khi là tảng đá tự nhiên hoặc những thanh đá chủ ý là che bề mặt đất đáy để nước không bị vẩn đục khi múc nước đồng thời chống lún, vật liệu thường là đá sa thạch. Vị trí giếng thường ở giữa hoặc cạnh một hóc ruộng sâu nơi có nhiều sình lầy, ba bên của giếng là những mô đất cao hơn.
Những vết tích của của cư dân Champa xưa còn lưu lại ở vùng phụ cận minh chứng cho sự định cư của họ ở vùng đất này từ rất sớm và sự cộng cư với người Việt khá mật thiết tạo nên sự tiếp biến văn hóa Thích nghi - hòa nhập - phát triển .
Nhóm khảo sát của Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn:
1. Lê Văn Minh
2. Nguyễn Văn Thọ
3. Lê Văn Cường
Thời gian khảo sát: Tháng 4, 5 năm 2015.
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)