Khu bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn nằm trong vùng địa lý sinh học duyên hải Nam Trung Bộ đã có tên trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa lịch sử, môi trường và cảnh quan, một hợp phần quan trọng cấu thành nên Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009 và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt theo Quyết định số 2223 ngày 13/8/2020 gồm 1.160,05 ha thuộc tiểu khu 412, 414, 416. Là nơi có địa hình giáp ranh với xã Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú và các xã thuộc huyện Nông Sơn.
Theo các nghiên cứu gần đây đã khẳng định nơi đây có sự đa dạng về các loài động vật, thực vật. Trong đó có nhiều loài được xác định quý hiếm theo danh lục đỏ trong Sách đỏ Việt Nam.
Khu hệ thực vật
Trong khu bảo tồn có các hệ sinh thái rừng và các kiểu thảm thực vật mang những nét đặc trưng cho hệ sinh thái và thảm thực vật vùng núi đất thuộc vùng đồng bằng duyên hải miền Trung nước ta, thảm thực vật rừng ở đây có giá trị to lớn trong phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan khu vực.
Các hệ sinh thái rừng ở khu bảo tồn bao gồm các dạng như sau:
Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh: là đặc trưng cơ bản và bao trùm phần lớn diện tích của khu vực. Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn tác động chủ yếu đến việc điều tiết nguồn nước cho suối Khe Thẻ, bảo vệ các khu đền tháp phía hạ nguồn. Khu vực này còn là nơi có chức năng bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen cần được quan tâm bảo vệ. Các quần thể thực vật chiếm ưu thế trong hệ sinh thái này là các loài cây thuộc Họ Dâu tằm (Moraceae), họ Ô rô (Ixonanthaceae), họ Cúc (Asteraceae), họ Đậu (Fabaceae). Một số loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Sao đen (Hopea odorata Roxb.), Chò đen (Parashorea stellata Kurz), Giền trắng (Xylopiapierrei Hance)...
Hệ sinh thái rừng trồng: chủ yếu nằm về phía Bắc và Tây Bắc của Khu di tích Mỹ Sơn bao gồm các trạng thái rừng trồng gỗ và rừng mới trồng. Đây là khu vực trung và hạ nguồn của suối Khe Thẻ chảy về phía hồ Thạch Bàn. Khu vực rừng trồng nằm trên các đồi thấp, đất khô, xói mòn mạnh,...; thành phần loài thực vật chủ yếu là Keo, Bạch đàn, Thông.
Hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi trên núi đất:
Hệ sinh thái này nằm rải rác và đan xen giữa các hệ sinh thái nêu trên và các vùng đồi gò chân núi, sự xuất hiện của hệ sinh thái này là phản ánh cảnh quan vùng giáp ranh giữa khu vực dân cư với rừng hoặc khu vực rừng đã bị khai thác đang được phục hồi bước đầu. Đặc trưng của thảm thực vật tự nhiên gồm các cây bụi, gỗ tạp, cỏ dại.
Hệ sinh thái suối: Đây là diện tích thủy vực trong khu di tích mặt nước của suối Khe Thẻ từ chân núi Hòn Đền (Hòn Châu) đến đập Thạch Bàn, trong Hệ sinh thái này có động vật lưỡng cư như: Ếch nhái, ốc, tôm, cá,... Ven bờ suối chủ yếu có các loài như: Khoai nước, dứa lá nhỏ, rù rì... Các loài thủy sinh vật đặc trưng cho hệ sinh thái suối gồm ấu trùng, côn trùng ở nước rất phong phú.
Về hệ thực vật: qua điều tra khảo sát và phân tích số liệu cho kết quả Khu di tích Mỹ Sơn có 238 loài thuộc 168 chi, 82 họ, 43 bộ, 5 lớp và 4 ngành thực vật có mạch cấu trúc nên hệ thực vật (HTV) khu di tích Mỹ Sơn. Thành phần loài phân tích được chỉnh lý tên khoa học, tên tiếng Việt và các thông tin về dạng sống, công dụng, giá trị bảo tồn (Chuyên đề thực vật rừng).
Thành phần loài thực vật có mạch ở Khu di tích Mỹ Sơn là một trong những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam. Do đó ngoài đặc điểm riêng biệt nó còn mang đặc tính chung của hệ thực vật Việt Nam. Sự thiếu vắng 2 ngành là ngành Khuyết lá thông – Psilotophyta và ngành Cỏ tháp bút – Equisetophyta so với hệ thực vật Việt Nam cho thấy hệ thực vật này có những đặc trưng riêng biệt so với hệ thực vật Việt Nam. Đây là nơi giao thoa của nhiều luồng thực vật khác nhau, kết hợp điều kiện khí hậu và địa hình của khu vực đã tạo nên tính đa dạng, phong phú về thành phần loài thực vật. Trong hệ thực vật (HTV) có đại diện của 4 ngành thực vật có mạch trong 6 ngành thực vật có mạch của Việt Nam:
Trong tổng số 82 họ thực vật thống kê được có các đặc điểm chính sau:
- Ngành Thông đất – Lycopodiophyta: 1 lớp, 1 bộ, 1 họ, 1 chi và 1 loài.
- Ngành Dương xỉ – Polypodiophyta: 1 lớp, 6 bộ, 13 họ, 16 chi và 30 loài.
- Ngành Thông – Pinophyta: 1 lớp, 1 bộ, 1 họ, 1 chi và 1 loài.
- Ngành Ngọc lan – Magnoliophyta: 2 lớp, 35 bộ, 67 họ, 150 chi và 206 loài.
Sự chiếm ưu thế gần như tuyệt đối của ngành Ngọc lan – Magnoliophyta so với các ngành còn lại thể hiện quy luật tiến hóa chung của thực vật bậc cao trên toàn thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Khu hệ động vật
Đối với khu hệ thú:Trong 37 loài thú đã được ghi nhận, nhóm thú phổ biến nhất và được ghi nhận nhiều nhất trong khu vực là các loài thuộc bộ Dơi (Chiroptera) và bộ Gặm nhấm (Rodentia) và một số quần thể thú như: Cầy hương (Viverricula indica Desmarest, 1804), Cu li lớn (Nycticebus bengalensis Lacépè, 1800), Chồn vàng (Martes flavigula Boddaert, 1785), Hoẵng (Muntiacus muntjack Zimmermann, 1780), Lợn rừng (Sus scrofa Linnaeus, 1758), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis Kerr, 1792) với số loài đa dạng nhất, số lượng cá thể nhiều và phân bố rộng. Những nhóm thú còn lại có số ít như bộ Ăn sâu bọ (Soricomorpha), bộ Nhiều răng (Scandentia), bộ Linh trưởng (Primates), bộ Ăn thịt (Carnivora), bộ Tê tê (Pholidota).
Đối với khu hệ chim: Trong 62 loài chim, họ Chào mào (Pycnonotidae) có số lượng cá thể nhiều nhất. Phổ biến nhất trong đó là Bông lau tai trắng Pycnonotus aurigaster và Bông lau họng vạch Pycnonotus finlaysoni, với số lượng nhiều và phân bố rộng. Những nhóm chim còn lại có số lượng ít, phân bố rải rác hoặc chỉ bắt gặp ở một hoặc vài điểm trong khu vực nghiên cứu.
Đối với các loài Bò sát: Trong 97 loài Bò sát, bộ Có vảy với 82 loài, ngược lại các loài thuộc Bộ Rùa có số lượng thấp hơn với 15 loài. Một số loài bò sát thuộc họ Kỳ đà, họ Trăn của Bộ Có vảy và bộ Rùa là những loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong IUCN redlist, trong sách Đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.
Đối với lớp cá: Trong 6 bộ ở khu hệ cá thuộc khu bảo tồn, ưu thế bộ thuộc về bộ cá Vược (Perciformes) với 6 họ chiếm 37.5%, bộ có số lượng giống nhiều nhất là bộ cá Chép (Cyprinformes) với 14 giống chiếm 43.75%. Đa dạng về loài thuộc về bộ cá Chép (Cyprinformes) với 17 loài chiếm 39.54%, bộ cá Vược (Perciformes) với 13 loài chiếm 30.23% , bộ cá Nheo (Siluriformes) với 8 loài chiếm 18.6%. Các bộ còn lại mỗi bộ chỉ có 1 hoặc 2 loài.
Đối với các loài Côn trùng: Thành phần loài côn có 179 loài thì sinh cảnh rừng tự nhiên thu được số lượng loài nhiều nhất, 95 loài chiếm 53,07% tổng số loài, tiếp đến là ở sinh cảnh rừng trồng, 89 loài (49,72%), sinh cảnh ven suối (VS) 79 loài (44,13%) và sinh cảnh trảng cỏ cây bụi, 66 loài (36,87%). Số loài trong các họ của bộ Cánh vảy khá phong phú, thay đổi theo đặc trưng thảm thực vật trong các sinh cảnh.
Đối với các loài động vật đáy: Kết quả phân tích mẫu vật thu được 208 loài động vật đáy có thể thấy có sự tương đồng giữa số lượng loài và số lượng cá thể của các nhóm động vật đáy thu được. Mật độ cá thể động vật đáy ở khu vực suối Khe Thẻ có xu hướng tăng lên khi đi từ đầu nguồn đến giữa nguồn sau đó giảm xuống ở phía cuối nguồn. Trong đó số loài chủ yếu tập chung vào lớp Côn trùng với 189 loài chiếm đến 90,9% tổng số loài. Ngoài ra, Lớp Giáp xác ở khu vực nghiên cứu thu được 6 loài thuộc 4 họ của bộ Mười chân (Decapoda); Lớp Chân bụng thu được 7 loài thuộc 5 họ; Lớp Hai mảnh vỏ thu được 3 loài thuộc 3 họ; Ngành Giun đốt thu được mẫu vật 3 loài trong đó 1 loài là Branchiura sowerbyi thuộc họ Tubificidae, bộ Haplotaxida của phân lớp Giun ít tơ (Oligochaeta), hai loài còn lại thuộc họ Đỉa Hirudinidae, bộ Đỉa Hirudinida của phân lớp Đỉa (Hirudinae).
Những giá trị của hệ sinh thái trong khu bảo tồn
Những kết quả phân tích ở trên đã khẳng định được những giá trị của hệ sinh thái rừng ở Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Qua đó cho thấy giá trị bảo tồn này bao gồm:
Về giá trị sử dụng rừng: Thực vật trong khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn có rất nhiều công dụng đối với đời sống của con người: cung cấp nguồn dược liệu chữa bệnh, nguồn thức ăn, cây cảnh,… có loài chỉ tham gia một công dụng, nhưng cũng có một số loài có thể tham gia vào nhiều công dụng.
Trong 352 loài của hệ thực vật có 186 loài có công dụng chiếm 78,15% tổng số loài của toàn hệ. Số loài có công dụng làm thuốc là 157 loài (chiếm 65,97% tổng số loài toàn hệ), cho gỗ 36 loài (chiếm 15,13% tổng số loài toàn hệ), nhóm loài làm ăn quả có 27 loài (chiếm 11,34% tổng số loài toàn hệ), nhóm loài làm cảnh có 26 loài (chiếm 10,92% tổng số loài toàn hệ), các nhóm công dụng khác cho số loài ít hơn. Đặc biệt, trong hệ thực vật có nhóm công dụng khác (K) có số lượng loài đáng kể cần phân tích rõ hơn trong giá trị sử dụng của cộng đồng dân cư trong vùng với 37 loài (chiếm 15,55% tổng số loài toàn hệ).
Kết quả trên đây đã khẳng định tính đa dạng về công dụng của thực vật trong khu vực bảo tồn. Kết quả đó cũng cho thấy số loài cây có thể sử dụng được vào các mục đích phục vụ con người là rất lớn, đặc biệt là số loài cây có công dụng làm thuốc: chiếm tới 65,97% tổng số loài trong khu nghiên cứu. Đó chính là giá trị to lớn của nguồn tài nguyên thực vật rừng ở đây.
Tính đa dạng sinh học: Trong khu bảo tồn có các hệ sinh thái rừng với 3 kiểu phụ. Những hệ sinh thái rừng và các kiểu thảm thực vật ở đây mang những nét đặc trưng cho hệ sinh thái và thảm thực vật vùng núi đất thuộc vùng đồng bằng duyên hải miền Trung nước ta, thảm thực vật rừng ở đây có giá trị to lớn trong phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan khu vực.
-Về động, thực vật có tới 238 loài thực vật bậc cao trong 168 chi thuộc 82 họ ở ngành đại diện thực vật có mạch. Động vật có 607 loài trong 169 họ thuộc 41 bộ ở 6 lớp động vật, bao gồm 37 loài thú, 62 loài chim, 97 loài bò sát, 43 loài cá, 179 lài côn trùngvà 189 loài động vật đáy.
- Số lượng loài đặc hữu, quý hiếm có 18 loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và nằm trong IUCN Redlist. Nhóm động vật rừng quý hiếm bước đầu phát hiện được 69 loài trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ và nằm trong IUCN Redlist.
Tài nguyên sinh thái rừng tại Khu bảo vệ cảnh quan rất đa dạng và phong phú, bảo vệ được hệ sinh thái rừng này có ý nghĩa rất lớn về mặt cảnh quan và bảo tồn tính đa dạng sinh học trong khu vực. Tuy nhiên, có một số loài đang đứng trước mối đe dọa tiệc chủng cần bảo vệ cấp thiết. Áp dụng thang phân loại các bậc nguy cấp theo SĐVN 2007, IUCN 2016, phân tích các giá trị bảo tồn có 18 loài cho kết quả có giá trị bảo tồn như sau:
Theo danh lục đỏ trong Sách đỏ Việt Nam – Phần Thực vật (2007), Khu vực nghiên cứu có loài Giền trắng (Xylopiapierrei) thuộc cấp độ Sẽ nguy cấp (VU)
Theo danh lục đỏ của IUCN (2016) hệ thực vật Khu vực nghiên cứu có 18 loài cần quan tâm bảo vệ:
Rất nguy cấp (CR): Chò đen (ParashoreastellataKurz).
Sẽ nguy cấp (VU): Giền trắng (XylopiapierreiHance) và Sao đen (Hopeaodorata).
Sắp bị đe dọa (LR): Thành ngạnh nam (Cratoxylumcochinchinensis), Thành ngạnh đẹp (Cratoxylumformosum) và Cầy (Irvingiamalayana).
Có18 loài được ghi nhận trong các thang phân loại nguy cấp của IUCN (2016) và Sách đỏ Việt Nam (2007) là sự đa dạng nguồn gen có giá trị bảo tồn được ghi nhận trong hệ thực vật khu bảo tồn. Đây là cơ sở quan trọng cho các nhà quản lý định hướng nghiên cứu bảo tồn – phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa trong tự nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc quản lý, bảo tồn như sau:
Quản lý sử dụng bền vững 1.160,5ha rừng tại khu bảo tồn, đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Hình thành khu rừng đặc dụng có chất lượng, đa dạng về hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật; cảnh quan môi trường thân thiện, hài hòa, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của khu rừng đặc dụng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của Luật Lâm nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản lý rừng bền vững, nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích Mỹ Sơn nhằm thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học và bảo tồn; góp phần tăng nguồn thu để duy trì và phát triển hoạt động. Trên cơ sở đó cần xác định những mục tiêu như sau:
+ Mục tiêu kinh tế: Tạo điều kiện phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí.
Phục hồi và nâng cao chất lượng trên 113,0ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém chất lượng thành rừng có chất lượng và giá trị; hình thành được trên 40,0 ha rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây cảnh quan phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động du lịch sinh thái và tăng thu nhập cho người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng.
+ Mục tiêu xã hội: Hình thành mạng lưới đường giao thông, băng cản lửa, chòi canh lửa rừng, vườn thực vật, vườn ươm, trạm bảo vệ rừng,.... phục vụ tốt các hoạt động bảo vệ rừng và góp phần thu hút khách tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích.
+ Mục tiêu môi trường: Nâng độ che phủ rừng trong Khu BVCQ đạt trên 96,5%. Các hệ sinh thái tự nhiên và hệ động thực vật được bảo vệ, chất lượng rừng được nâng lên, cảnh quan môi trường được cải thiện.
Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn có những ưu điểm nổi bật về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử mà các khu vực khác khó có thể có được để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh. Khu Di sản với các công trình đền tháp có cấu trúc nghệ thuật đặc sắc nằm trong một thung lũng kín bao quanh những dãy núi vòng cung với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với nét đẹp văn hóa của người dân địa phương sinh sống gần khu vực sẽ tạo cho du khách có cảm xúc về cội nguồn của dân tộc, giúp chúng ta trở nên hướng thiện. Những giá trị đó chính là tiềm năng lớn để phát triển bền vững điểm tham quan và du lịch sinh thái tâm linh độc đáo của nước ta và trên toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý rừng bền vững;
- Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
- Sách Đỏ Việt Nam 2007; IUCN (2016)
-Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chuyên đề đánh giá hiện trạng đa dạng loài thú khu di tích Mỹ Sơn, thuộc đề tài“Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp sinh thái, thủy lợi nhằm bảo tồn gắn với phát triển bền vững Khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam”;
- Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ - Dự án thành lập Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn;
- Phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn giai đoạn 2022-2030.
Nguyễn Duy
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)