Mới đó mà đã gần 10 năm tôi sống và làm việc tại Mỹ Sơn, đối với đời người đó là khoảng thời gian không phải là dài, nhưng với tôi không phải là quá ngắn, cũng đủ để bâng khuâng khi nghĩ về và mỗi lần nhớ đến. Tôi không phải là người đi nghiên cứu chuyên sâu về Mỹ Sơn, cũng không là người trực tiếp đặt những viên gạch trong công tác trùng tu tại đây, mà chỉ đơn thuần là người chung tay góp một phần nhỏ bé của mình trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị khu di tích. Tôi háo hức với công việc được phân công, tôi hãnh diện về giá trị nghìn năm tuổi, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước không gian bao la của núi, tĩnh mịch của đất, trầm tư của đá và bí ẩn của những mảng tường tháp. Mọi người thường hay diễn tả, Mỹ Sơn chỉ có hai mùa “mưa bùn, nắng bụi”, nhưng trong tôi lúc nào Mỹ Sơn cũng đẹp, cũng lung linh huyền ảo theo dáng dấp riêng của nó, có lẽ những người hiểu và yêu Mỹ Sơn như tôi đều có cảm nhận chung như vậy.
Mỹ Sơn giá trị không phải thu hút số lượng khách đến tham quan ngày càng đông, càng không phải mang tầm di sản văn hoá thế giới, mà với tôi Mỹ Sơn lúc nào cũng tráng lệ thâm nghiêm hùng vĩ, tiềm ẩn một bí mật cuốn hút mà “...sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết được...”. Mỗi người đều có quyền lưu lại trong mình những ký ức khác nhau về Mỹ Sơn sau khi đặt chân đến, có người trầm trồ thán phục: “...thật vô giá!..”, có người sẽ thất vọng: “...như lò gạch của Chí Phèo...”, cũng có người sẽ miên man và mơ hồ... Cũng phải thôi, người ta đến với Mỹ Sơn chỉ vào thời khắc nhất định, thời điểm giới hạn trong ngày, nên chưa thấy được sự chuyển hoá, giao thoa giữa bình minh và hoàng hôn, giữa ngày và đêm, giữa cái nắng và cái mưa, giữa sự ồn ào và tĩnh lặng, giữa lung linh và huyễn hoặc... Mỹ Sơn trong tôi thật ma mị và biến hoá khôn lường...
Mỹ Sơn trong cái nắng sớm lung linh riêng có của một thung lũng huyền thoại, những bóng tháp đổ dài, ngã bóng lên nhau, bao trùm lên những phiến sa thạch đen nhánh bởi bóng thời gian, phủ lên những thảm cỏ xanh mềm đẫm hơi sương. Bình minh ở Mỹ Sơn đầy tiếng chim, sự thanh bình trong suốt mong manh của một không gian khép kín trong vòng tròn của thung lũng. Những cơn gió nhẹ thoảng qua, len lõi vào những ngôi đền, các Kalan và những ô cửa tháp. Phía bóng nắng dội vào, những mảng rêu chợt lấp lánh; những bức tường gạch nham nhở ánh lên những tia sáng diệu kỳ. Mỹ Sơn trông "trẻ” hẳn ra trong tĩnh lặng, bất chấp ngày đang “già” thêm từng giây từng phút.
Khách đến đông rồi, âm nhạc vang lên không phải từ tâm thức mà là từ vũ khúc của những vũ nữ Apsara, tiếng kèn Saranai, và trống Ghinăng bập bùng huyền thoại. Thung lũng bây giờ rất hẹp nên mọi cử động trở nên khó khăn, không khí trở nên nóng và thời gian bỗng trở nên dài và bất thường. Người đến Mỹ Sơn lúc này được nhiều cái cùng một lúc nhưng muốn được như thế phải chịu vất vả thậm chí phải chịu vất vả như một tu sĩ thực thụ... nhưng có lẽ Mỹ Sơn cũng làm mãn nhãn cho những ai thích tò mò và khám phá.
Mỹ Sơn vào buổi chiều thật yên ả, khác với không khí đang rộn ràng náo nhiệt ngoài kia. Mỹ Sơn bình yên như vốn bản chất thật của nó tĩnh mịch, trầm tư và huyền bí, cảm giác như thời gian chựng lại, treo lơ lững giữa lưng chừng núi. Hoàng hôn chầm chậm rơi, lan tỏa theo từng làn khói lam chiều men triền dốc, ánh chiều tà càng làm thung lũng thêm đẹp và huyền ảo trong sương và khói đá. Những ngôi tháp trầm mặc chừng như nhiều rêu hơn, “già” hơn, bí ẩn hơn và cũng liêu trai hơn.
Bao đời nay, dường như Mỹ Sơn vẫn chọn cách “chìm” vào tịch mịch của đêm như thế và tôi còn nhận thấy trong bước chuyển từ chiều vào tối, cả thung lũng còn có sự xuất hiện của những cơn gió nhẹ, phóng khoáng và phiêu du như bước chân của những vị thần... Dường như ở đó có một từ trường cực mạnh thu hút năng lượng từ vũ trụ, một sự hòa điệu, mà nếu lắng nghe ta có thể cảm nhận được giai điệu ấy thấm dần vào hiện hữu. Ánh trăng căng tràn sự sống như làm “sống dậy” cả những bức phù điêu tạc vào hơn 20 khu đền tháp cổ còn lại của vùng đất Amaravati, và dường như những viên gạch Chàm nơi đây đều biết nhảy múa dưới ánh trăng, đánh thức thần Siva, những Linga - Yoni... đã ngủ quên hàng ngàn năm tuổi. Cả thung lũng thoạt trông như một tác phẩm của nghệ thuật sắp đặt (installation art); vừa trật tự, lớp lang, vừa phi lý, xộc xệch; vừa hiện đại, vừa ngẫu hứng; vừa gần gũi, vừa xa xăm... Trong thế giới nhuốm màu thần linh ấy, tuyệt nhiên không có sự phân biệt hay giới hạn cho những bàn chân lấm láp bụi trần. Và ở đó, con người chợt thấy an nhiên, thuần khiết và trong sáng hơn. Mỹ Sơn trong tôi luôn là vậy…. Kỷ niệm đầy trong veo nỗi nhớ, bước chân trầm sâu lắng an yên.
Phạm Thu Vân
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)