MỸ SƠN - VIÊN NGỌC QUÝ NGHÌN ĐỜI TỎA SÁNG

MỸ SƠN - VIÊN NGỌC QUÝ NGHÌN ĐỜI TỎA SÁNG

Di sản văn hóa Mỹ Sơn thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm ở vị trí tọa độ 150505 vĩ Bắc 1080573 kinh Đông, cách Trà Kiệu (Kinh thành Simhapura của vương quốc cổ Champa) 20km về phía Tây, cách Đô thị cổ Hội An 45 km cũng về phía Tây, cách thành phố Đà Nẵng 68 km về phía Tây - Nam. Khu di tích nằm ẩn sâu trong một lòng chảo vùng bán sơn địa với đường kính khoảng 2km, dưới chân ngọn núi Răng Mèo, còn gọi là Hòn Đền, cao hơn 750m với tên Phạn được ghi trên văn bia là Mahapavarta.         

Hình 1. Núi Hòn Đền - Đỉnh Mahapavarta (Đại Sơn)
( Tác giả chụp ngày 11.6.2020)

 Di sản văn hóa Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc khảo cổ học có quy mô lớn nhất và có tầm quan trọng cao nhất của văn hóa Champa với hơn 70 công trình đền tháp và hơn 32 bi ký được các vị vua Champa xây dựng trong thời gian từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Gần như trong suốt những thế kỷ đó, nơi đây là thánh địa Hindu giáo, nơi thờ cúng linh thiêng của các vương triều Champa.

Theo tấm bia sớm nhất, có niên đại khoảng cuối thế kỷ IV được tìm thấy ở trước đền A1 ở Mỹ Sơn, cho biết vua Bhadravarman đã cho xây dựng tại nơi đây một ngôi đền để thờ thần Bhadresvara. Bhadravarman là vị vua đầu tiên sáng lập khu Thánh địa Mỹ Sơn. Bhadresvara là tên gọi kết hợp giữa phần đầu của tên vị vua này “Bhadr” và chữ “esvara”, có nghĩa là đấng tối thượng, ám chỉ thần Shiva. Đây được xem là biểu hiện cổ nhất qua tên gọi của đối tượng thờ cúng về sự kết hợp yếu tố vương quyền và thần quyền ở khu vực Đông Nam Á.

Sau hơn hai thế kỷ, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ không rõ vì lý do gì đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn dưới triều vua Rudravarman. Vị vua kế vị là Sambhuvarman đã cho xây dựng lại ngôi đền của tổ tiên với vật liệu bền vững hơn, thờ vua thần Sambhubhadresvara. Quốc hiệu Champa cũng được xuất hiện lần đầu tiên trong văn bia của vua Sambhuvarman - người có công phục hồi lại khu đền thờ tại Mỹ Sơn. Vào nửa sau thế kỷ VII, dưới triều đại của Vikrantavarman I và Vikrantavarman II, việc thờ cúng vua thần Bhadresvara vẫn được quan tâm đặc biệt. Ngoài việc xây dựng thêm nhiều đền tháp tại đây, vua Vikrantavarman I và II còn dâng cúng đất đai, Kosa bằng vàng và bạc để bọc Linga và nhiều đồ quý khác cho thần Bhadresvara. Không chỉ làm đẹp thêm cho Thánh địa Mỹ Sơn, hai vị vua này cùng những đời vua sau đó đã có công lớn trong việc xây dựng vương quốc Champa lớn mạnh hơn trước trong suốt cả một thế kỷ. Thế nhưng, từ giữa thế kỷ VIII trở đi, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, có thể là do sự hưng thịnh của Phật giáo, mà suốt một thời gian dài sau đó, Mỹ Sơn và các vị thần ở đây không còn giữ vai trò là thánh địa và vị thần chủ quốc gia. Chỉ đến đầu thế kỷ X, khi Hindu giáo lấy lại được vị trí chủ đạo trong đời sống vương quyền ở Champa, thì thánh địa Mỹ Sơn mới có lại được uy thế của mình.

Những nghiên cứu cho thấy phần lớn các kiến trúc đền - tháp lớn nhất, đẹp nhất ở Mỹ Sơn được xây dựng vào thế kỷ X và có chung một phong cách thống nhất, được các nhà nghiên cứu gọi là phong cách Mỹ Sơn A1. Nhưng tiếc thay, cứ liệu có thể cho biết rõ nhất về quá trình xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn trong thời kỳ này là bi ký thì hầu như đã bị vỡ và mất chữ. Thư tịch cổ Trung Hoa và tài liệu bi ký Champa khác cho biết từ cuối thế kỷ IX, sau hơn một thế kỷ bị lu mờ bởi vương triều phía Nam, vào năm 875, đánh dấu cho sự phục hưng quyền lực ở miền Bắc với sự lên ngôi của vua Indravarman II và đặt tên cho kinh đô mới là Indrapura. Vương quốc Champa thanh bình, thịnh vượng trong suốt thời gian vua Indravarman trị vì. Tu viện Phật giáo Đồng Dương nổi tiếng được ông lập nên, còn vợ ông, hoàng hậu Rajakula - Haradevi là người có công lớn trong việc xây dựng các đền tháp thờ Shiva tại Mỹ Sơn. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ X trở đi, đất nước Champa có nhiều biến cố, xen lẫn với những rối ren nội bộ, chiến tranh với các nước láng giềng là những khoảng thời gian hòa bình ngắn ngủi. Tuy vậy, các vua Chăm đời sau vẫn tiếp tục dâng cúng các đền - tháp mới tại Mỹ Sơn. Trong suốt một thế kỷ tồn tại, các vua của triều đại Indrapura đã xây nên những công trình thờ cúng, chiếm phần lớn trong các nhóm A, B, C, D, hiện vẫn còn sừng sững uy nghiêm tại Mỹ Sơn.

Cuối thế kỷ X đến nửa sau thế kỷ XI là quãng thời gian bất ổn của Champa bởi gần một thế kỷ chiến tranh loạn lạc đã làm đất nước Champa suy yếu và bị thu hẹp lãnh thổ. Thánh địa Mỹ Sơn cũng không tránh khỏi sự tàn phá nặng nề cho đến khi được tái thiết dưới triều đại vua Harivarman IV. Một đoạn bia ký khắc năm 1081 tại  Mỹ Sơn cho biết vua Sri Paramabodhisatva tiếp tục khôi phục lại  Mỹ Sơn. Ông đã cho dựng tượng thần Siva, rồi dâng cúng vàng, ngọc, voi, trâu, bò, nô lệ, y phục... cho thần [5, tr.196]. Tiếp đến, vua Jaya Indravarman II, khi lên ngôi đã dâng vị thần Shiva một Kosa vàng, sáu mặt được trang trí bằng những hình rắn Nagar và được tô điểm bằng những viên ngọc rực rỡ sắc màu gắn trên những đỉnh nhọn của mỗi chiếc vương miện [5, tr.202].

Từ năm 1145 đến 1149, vương quốc Champa bị người Khmer chiếm đóng. Vua Jaya Harivarman I sau khi đã chiến thắng kẻ thù của vương quốc đã trở lại Mỹ Sơn cho tu bổ, xây dựng lại khu thờ cúng với quy mô lớn. Trong đó, dựng nên một quần thể kiến trúc quan trọng để thờ vua thần Srisana Bhadresvara trên một ngọn đồi nhỏ mà văn bia gọi là núi Vugran, tức nhóm tháp G ngày nay [16, tr.18, 19].

Đến đời vua Suryavarmadeva, sau khi thoát khỏi sự phụ thuộc vào Campuchia và làm chủ hoàn toàn vương quốc Champa, bia ký năm 1203 tại Mỹ Sơn đã cho biết ông đã dựng lại tất cả các nhà cửa và dâng cúng cho vị thần chủ ở Mỹ Sơn chiếc Kosa lớn nhất, có giá trị nhất của cả vương quốc Champa.

Những năm tiếp theo, vương quốc Champa dần suy yếu bởi liên tục chiến tranh, nhất là với Campuchia. Thánh địa Mỹ Sơn không còn được các triều đại vua chúa Chăm quan tâm như trước. Theo bia ký, mãi đến năm 1220, sau khi lên ngôi, vua Sri Jaya Paramesvaravarman II mới đến Mỹ Sơn khắc minh văn lên một ngôi đền kể về việc dâng cúng của cải, phục dựng các Linga [14, tr.19, 20]. Vị vua cuối cùng dâng cúng một số đồ vật cho vị thần chủ Mỹ Sơn mà được nhắc đến trong văn bia là Jaya Indravarman vào năm 1243 [5, tr.223]. Kể từ đó, chưa tìm thấy tài liệu nào nói đến việc tôn tạo Thánh địa Mỹ Sơn của một vị vua tiếp theo. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ không lâu sau đó, khu thờ cúng này đã bị lãng quên và ngủ yên trong rừng thẳm cùng với nhiều bí ẩn đã bị chôn vùi trong một thời gian dài.

Năm 1898, khu di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp là M.C Paris. Mỹ Sơn lập tức hấp dẫn các nhà nghiên cứu người Pháp của Trường Viễn đông Bác cổ thuộc Pháp (E.F.E.O). Năm 1899, hai nhà nghiên cứu L.Finot và L.de Lajonquière đến Mỹ Sơn để nghiên cứu bi ký. Sau đó, từ năm 1901 đến 1904, H. Parmentier và C. Carpeaux  đến để nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, đồng thời, đào khảo cổ một số địa điểm. Đến năm 1904 thì những tài liệu cơ bản nhất về bi ký và nghệ thuật kiến trúc của Mỹ Sơn được được các nhà khoa học công bố.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) và những năm kháng chiến chống Mỹ, di tích Mỹ Sơn hầu như bị bỏ hoang phế và nhiều lần phải gánh chịu đạn bom của chiến tranh. Nặng nề nhất là vào năm 1969, không quân Mỹ đã ném bom vào thung lũng Mỹ Sơn và đã tàn phá nhiều khu đền tháp, trong đó có ngôi đền chính ở nhóm A, một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Champa.

Sau khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam, khu di tích đã được phát quang, tháo gỡ bom mìn phục vụ cho việc kiểm kê và khảo sát hiện trạng. Hơn 50 ngôi đền tháp như trong mô tả của người Pháp trước năm 1945 chỉ còn lại khoảng 20 ngôi nhưng không có công trình nào nguyên vẹn. Đến cuối tháng 4 năm 1979, Mỹ Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp Quốc gia.

Từ năm 1980 đến năm 1990, các chuyên gia, cán bộ bảo tồn di tích Việt Nam với sự chỉ đạo trực tiếp của cố Kiến trúc sư người Balan Kazimierz Kwiatkowski đã tiến hành trùng tu, gia cố, trả lại một phần dáng vẻ ban đầu của một số nhóm tháp tại Mỹ Sơn. Nhằm xác lập thêm cơ sở khoa học để quản lý tốt hơn khu đền tháp Mỹ Sơn, năm 1998 - 1999, chương trình hợp tác giữa Việt Nam, UNESCO và chính phủ Italia, thông qua tổ chức Lerici Foundation (Italia) đã thực hiện dự án Thông tin Địa lý (GIS) tại khu di tích. Các nhà khoa học đã cơ bản lập được bản đồ địa hình, vị trí phân bố của các công trình kiến trúc và các phế tích trong thung lũng Mỹ Sơn một cách khá chính xác, đồng thời, theo dõi tình trạng bảo tồn của các đền tháp nhằm đề xuất một số biện pháp bảo quản cấp thiết cũng như cách quản lý, bảo vệ khu di tích. Đến ngày 04/12/1999, trong phiên họp lần thứ 23 của UNESCO tại thành phố Marrakech, Marocco, quần thể khu di tích Mỹ Sơn đã được ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

Hình 2. Khách du lịch tham quan khu Di sản
(Tác giả, chụp ngày 16.8.2016)

 

Là trung tâm tôn giáo, nơi thờ cúng thiêng liêng, chỗ dựa tinh thần của vương quốc Champa trong thời gian trải dài hơn chín thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII), Mỹ Sơn đã thu hút tinh hoa của cả vương quốc, đã hun đúc, dựng xây nơi đây thành biểu tượng của cả tộc người. Dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn và độc đáo, được coi là điển hình sinh động của nền văn hóa Champa trong lịch sử. Sự hình thành và phát triển của Mỹ Sơn đã phản ánh khá rõ nét quá trình hình thành và phát triển vương quốc Champa.

Với 13 nhóm tháp có mối liên hệ mật thiết (được các nhà khoa học Pháp đặt tên theo thứ tự từ A đến M), những di tích hiện hữu và phế tích tồn tại trong các nhóm tháp thể hiện một lịch sử kiến trúc liên tục trong suốt thời kỳ tồn tại của vương quốc Champa. Chỉ căn cứ vào kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn cũng đã có thể hình dung được phần nào bộ mặt, sức sống của vương quốc Champa trong quá khứ.

Nơi đây ghi dấu sự phát triển rực rỡ của nền nghệ thuật Champa, đặc biệt là kiến trúc và điêu khắc. Những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc Champa đều đã hiện diện tại Mỹ Sơn. Về kiệt tác kiến trúc, không thể không kể đến ngôi đền Mỹ Sơn A1. Ngôi đền cao 24m, rộng mỗi cạnh 10m này còn được đánh giá là kiệt tác của kiến trúc Đông Nam Á [15, tr.72]. Tiếc thay, công trình thờ cúng to lớn, lộng lẫy và trang nhã bậc nhất của Champa này đã bị máy bay Mỹ đánh bom sập gần như hoàn toàn vào cuối năm 1969. Các kiệt tác điêu khắc có thể kể đến các bảo vật quốc gia như bệ thờ Mỹ Sơn E1 (hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng), Mukhalinga (Linga với đầu thần Shiva được phát hiện ở khu tháp E vào năm 2012, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn). Giai đoạn Pháp thuộc, đã có nhiều tác phẩm điêu khắc đặc sắc của Mỹ Sơn được đưa về trưng bày ở các bảo tàng lớn như Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2005, Bảo tàng Guimet (Pháp) cũng đã mượn 7 hiện vật điêu khắc đá của Mỹ Sơn để trưng bày tại cuộc triển lãm giới thiệu nghệ thuật Champa tổ chức tại Paris.

Mỗi phong cách kiến trúc ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa. Theo bảng phân loại phong cách nghệ thuật kiến trúc Champa do nhà nghiên cứu người Pháp Ph. Stern công bố từ năm 1942 thì quần thể đền tháp ở Mỹ Sơn có đầy đủ các đại diện cho 7 phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Champa, gồm: 1) Phong cách Mỹ Sơn E1 hay phong cách cổ; 2) Phong cách Hòa Lai; 3) Phong cách Đồng Dương; 4) Phong cách Mỹ Sơn A1; 5) Phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Bình Định; 6) Phong cách Bình Định; 7) Phong cách muộn . Vì vậy, quần thể kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn hợp lại có thể được xem như là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử kiến trúc cổ Champa.

Với những phong cách kiến trúc độc đáo cùng rất nhiều tác phẩm điêu khắc và bi ký, Mỹ Sơn thể hiện rõ sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người bản địa và các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là nguồn ảnh hưởng từ Ấn Độ. Hầu hết các công trình kiến trúc, điêu khắc tại Mỹ Sơn đều thể hiện đậm nét dấu ấn của Hindu giáo và mang chở không ít phong cách kiến trúc truyền thống trong khu vực Đông Nam Á. Sự hội tụ đa dạng này giúp cho chúng ta có thể đánh giá được những ảnh hưởng của điều kiện lịch sử, tư duy nghệ thuật, sự tiếp xúc, tiếp biến về mặt văn hóa, nghệ thuật và cả kỹ thuật với các quốc gia khác trong quá trình chuyển hóa của nghệ thuật Champa. Quan sát những công trình đền tháp ở các quốc gia khác, có thể nhận thấy nghệ thuật tạo hình trên đền tháp Chăm rất đặc biệt và hiếm có ở khu vực Đông Nam Á. Những hình trang trí ở tháp Chăm được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch. Không giống như ở Ăngko, người ta điêu khắc trên đá hay như ở Ấn Độ, người ta tráng lên tường một lớp vữa rồi trang trí lên. Chính nghệ thuật tạo hình trực tiếp trên gạch của người Chăm xưa đã làm nên sự đặc sắc của nền điêu khắc Champa. 

Không chỉ về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, kỹ thuật xây đền tháp ở Mỹ Sơn hiện vẫn còn nhiều bí ẩn, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp đầy đủ bởi những lý do mang tính lịch sử đã thất truyền từ lâu. Các đền tháp chủ yếu được xây bằng gạch có độ xốp cao, xếp mài khít, liền khối, vững chắc, mà cho đến nay chất kết dính trong xây dựng vẫn còn là đề tài tranh luận của nhiều nhà khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu của những nhà khoa học đến từ các quốc gia như Pháp, Ba Lan, Nhật, Ý, Ấn Độ... với nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn chưa thể lý giải hết những bí ẩn trong kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Champa. Trong đó, bao gồm kỹ thuật chế tác vật liệu, kỹ thuật xây cất gạch đất nung và đá sa thạch, kỹ thuật bảo tồn với những khối gạch khổng lồ nhưng vẫn không bị nghiêng lún bởi thời gian... Những gì hiển hiện trên công trình đền tháp, không gian thờ cúng còn lại tại Mỹ Sơn chứng tỏ sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và thẩm mỹ cũng như những ý nghĩa triết học, nhân sinh ẩn chứa bên trong.

Với 32 văn bia được phát hiện tại khu di tích, trong đó còn khoảng 16 bi ký có thể đọc được, số còn lại bị vỡ không thể hàn chắp lại. Số văn bia này chiếm gần ¼ số bi ký  còn lại ở Champa (khoảng 130), có niên đại liên tục và kéo dài qua nhiều thời kỳ của lịch sử Champa [5, tr.175]. Những văn bia không chỉ được xem là “một cuốn sử bằng đá” về khu di tích Mỹ Sơn mà còn là một kho tư liệu quý giá phản ánh sinh động nhiều mặt về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và đặc biệt là về tôn giáo của vương quốc Champa trong suốt nhiều thế kỷ. Đây chính là những văn bản quan trọng thể hiện ý chí của các vị vua và triều đình Champa, vì vậy là nguồn tư liệu quý báu và đáng tin cậy cho mục đích nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa, lịch sử Champa. Với những nội dung được khắc bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ, phần chữ Phạn hướng đến thần linh và chữ Chăm hướng đến người trần, được dùng với những lời lẽ văn hoa, chứa nhiều điển tích của văn học Ấn Độ, văn bia ở Mỹ Sơn vì thế đã góp một phần quan trọng làm nên sự phong phú của văn học cổ Champa, làm sinh động bức tranh về lịch sử ngôn ngữ và chữ viết Champa.

Văn bia ở Mỹ Sơn nói riêng, văn và văn tự chữ Chăm nói chung là một đóng góp quý giá vào văn hóa Việt Nam, chứng minh rõ hơn bề dày về lịch sử và chiều sâu văn hóa của vương quốc Champa cổ.

Ngoài ra, do các đền tháp luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh của người Chăm cho nên, ngoài giá trị văn hoá vật thể, Mỹ Sơn này còn chứa đựng những giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. Trên văn bia được dựng bởi vua Bhadravarman - người sáng lập ra Mỹ Sơn (thế kỷ IV) đã nói đến việc cúng dâng cho thần Bhadresvara một cúng vật vĩnh viễn đó là “vùng đất đai bên trong với núi Sulaha ở phía đông, núi Lớn (Hòn Đền) ở phía nam, núi Kucaka ở phía tây và sông Lớn (Thu Bồn) ở phía bắc” và “nếu người nào phá hoại đồ dâng cúng đó thì tất cả thiện quả phúc đức của người ấy sẽ thuộc về ta (nhà vua), và tất cả những việc xấu xa mà ta gây ra sẽ thuộc về ngươi”, “Ai gìn giữ các đồ cúng thần này thì công đức thuộc về người đó. Ai không gìn giữ mà phá hoại thì người đó sẽ tự bị thiêu hủy...” [5, tr.177,178]. Từ đó trở về sau, qua văn bia và những dấu vết vật chất còn để lại, có thể nhận thấy những hoạt động tâm linh như thờ cúng, hiến tế, tu tập, thiền định... với sự tôn sùng vô biên các đấng tối cao như Shiva, Brahma, Vishnu và những vị thần trong hệ thống thần linh của Hindu giáo ở Mỹ Sơn vẫn tiếp diễn, duy trì từ đời này qua đời khác bởi của các vị vua, triều đình và thần dân Champa cho đến khi bị chiến tranh cắt đứt và chìm dần vào hoang phế, lãng quên. Hệ thống các đền thờ, tượng thần, ngẫu tượng, tượng hoặc phù điêu tu sĩ, hoa văn trang trí cỏ cây, muông thú... được sáng tạo tỉ mỉ, cần mẫn, thể hiện niềm tin sâu sắc vào thế giới thần linh. Cấu trúc đền thờ, không gian hành lễ minh chứng cho những nghi thức tôn giáo, hoạt động thờ cúng... mang đậm tính sùng kính tôn nghiêm đã diễn ra trong quá khứ.

Mặc dù trong suốt nhiều thế kỷ cho đến bây giờ, các hoạt động tôn giáo đã không còn diễn ra tại Mỹ Sơn nhưng sự tôn kính của cộng đồng người Chăm và người dân địa phương đối với Mỹ Sơn vẫn tồn tại. Tên gọi “Thánh địa Mỹ Sơn” được dùng khá phổ biến hiện nay thể hiện tính thiêng của khu di tích trong suy nghĩ của nhiều người. Trong những năm gần đây, tác giả cũng được chứng kiến những đoàn người Chăm tổ chức các cuộc hành hương về Mỹ Sơn, cúng lễ vật và cầu nguyện thần linh tại một số khu đền tháp. Đối với người dân địa phương, dù không hiểu nhiều về ý nghĩa thờ cúng của người xưa nhưng vẫn luôn truyền tai nhau về sự linh thiêng của các ngôi đền và tránh những việc làm xâm hại đến đền tháp và các tượng thần nơi đây.

Những giá trị văn hóa - lịch sử nổi bật nêu trên của Di sản văn hóa Mỹ Sơn trên không chỉ được các nhà khoa học trong nước ghi nhận mà đã vươn ra tầm quốc tế, thể hiện rõ qua 02 tiêu chí được công nhận bởi UNESCO khi khu di sản này được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999:

- Tiêu chí (ii): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ.

- Tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Champa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

Với những giá trị nổi bật, điển hình toàn cầu về giao lưu văn hóa và sự hội nhập văn hóa bên ngoài vào văn hóa bản địa, phản ánh sinh động tiến trình phát triển lịch sử văn hóa của vương quốc cổ Champa trong lịch sử Đông Nam Á, DSVH Mỹ Sơn còn nằm trên con đường Di sản miền Trung cùng hai di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích Cố đô Huế và Khu đô thị cổ Hội An, tạo nên một tam giác di sản thế giới với nhiều lợi thế vượt trội, có xu hướng kết nối phát triển bền vững và đầy triển vọng, là nguồn tài nguyên du lịch to lớn không chỉ của khu vực miền Trung mà vươn ra tầm quốc gia và quốc tế. Di sản văn hóa Mỹ Sơn xứng đáng là viên ngọc quý giá hơn nghìn năm tuổi tỏa sáng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Trinh - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nguyên là cán bộ BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. M.Étienne Aymonier (1891), Người Chàm (Tchames hay Chiêm Thành) và những tín ngưỡng của họ (Bản dịch của Thư viện Khảo cổ học - Hà Nội, từ tài liệu tiếng Pháp Les Tchames et leurs religions, Ernest Leroux, Paris).

2. Ban quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (2019), Báo cáo tổng kết nhiệm vụ 5 năm (2015 - 2019) và nhiệm vụ 5 năm đến (2020 - 2025).

3. Cơ quan Thông tin Lý luận Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (1998), Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 7 (169) - 1998.

4. George Coedès (Nguyễn Thừa Hỹ dịch) (2008), Cổ sử các quốc gia Ấn độ hóa ở Viễn đông, NXB Thế giới, TP. Hồ Chí Minh.

5. Ngô Văn Doanh (2011), Thánh địa Mỹ Sơn, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chămpa, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7.Nguyễn Duy Hinh, Tháp cổ Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

8. Hội khoa học Lịch sử Thành phố Đà Nẵng (2001), Lịch sử xứ Quảng  - Tiếp cận và khám phá, NXB Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.

9. Nguyễn Văn Kim (Chủ biên, 2018), Tiếp biến và Hội nhập Văn hóa ở Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

10. Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Henri Parmentier (1909), Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ (Bản dịch và đánh máy của Viện Bảo tàng Mỹ thuật năm 1975, từ cuốn Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam, Paris - Ernest Leroux).

12. Lê Đình Phụng (2004), Kiến trúc - Điêu khắc ở Mỹ Sơn, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

13. Lê Đình Phụng (2015), Đối thoại với nền văn minh cổ Champa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội

14. Trần Kỳ Phương (1988), Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm, Nxb Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.

15. Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam (1999), Di tích Mỹ Sơn - My Son Relics, Tam Kỳ, Quảng Nam.

16. Hồ Xuân Tịnh (Tái bản, 2018), Di tích Chăm ở Quảng Nam, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.

17. Trung tâm quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam (2014), Văn bia Chăm ở Miền Trung, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam.

18. Hồ Trung Tú (2011), Có 500 năm như thế, NXB Thời đại, Hà Nội

19. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (1995), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á - Southeast Asian Studies, Số 4 (21) - 1995.

20. Trần Bá Việt (2007), Đền tháp Champa - Bí ẩn xây dựng, NXB Xây dựng, Hà Nội.

21. Philippe Stern (1942), L’Art du Champa (Ancien Annam) et son e’volution, Toulouse les frères Doula doure Manres imprimeurs, 39 Rue Saint-Suipice, Paris.

21. Trang thông tin điện tử chính thức của Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn: disanvanhoamyson.vnmysonsanctuary.com.vm

 

 

29 Tháng 6,2021

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo