Lời mở
Ngói là một trong những loại hình vật liệu kiến trúc tạo nên rất nhiều những điều thú vị nhưng không phải dễ dàng có thể nghiên cứu một cách có hệ thống trong điều kiện còn có những hạn chế về mặt địa tầng và loại hình của di vật này.
Trong bài viết ngắn này, một mặt kế thừa những thành qủa nghiên cứu trước đó và dựa vào các nguồn tư liệu trong các cuộc khai quật gần đây tại miền trung để có nhận thức bước đầu về loại hình di vật khảo cổ này. Nguồn tư liệu được sử dụng trong bài viết chủ yếu ở các báo cáo của các cuộc khai quật. Các di vật được trưng bày trong các Bảo tàng và tập hợp các loại hình ngói trong các cuộc khai quật hiện tại tại các di tích Hòa Lai (Ninh Thuận); Po Nagar (Khánh Hòa) và khu tháp Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu, Mỹ Sơn (Quảng Nam)…. Không tham vọng nghiên cứu chuyên sâu mà chỉ dựa vào sự thay đổi về các yếu tố kỹ thuật trên ngói dẫn đến sự chuyển biến về dáng hình học của các nhóm ngói để bước đầu xây dựng tiến diễn phát triển của loại hình ngói từ sớm cho đến muộn ở trong khu di tích văn hóa Champa nói riêng và trong khu vực miền trung nói chung.
1. Diễn tiến phát triển.
Để phân loại hình ngói ở đây rất khó đưa ra các tiêu chí hoặc là chưa đủ thông tin, hoặc khá đồng nhất. Vì vậy, tôi chủ yếu dựa vào địa tầng xuất lộ của các di tích được khai quật và sự thay đổi về hình dáng của ngói để chia thành hai nhóm khác nhau:
.jpg)
1.1. Nhóm ngói âm dương
Đây là tập hợp nhóm ngói cong có hình chữ nhật chiều dài gần gấp đôi chiều rộng có mặt cắt thân ngói cong (thường gọi là ngói âm dương) ngói âm lợp dưới và ngói dương lợp trên được phát hiện ở các di tích Champa như Gò Cấm, Trà Kiệu ngói lợp thân mái trong có in dấu vải có niên đại thế kỷ 1-2 sau công nguyên. Gò Dũ Dẽ ngói làm bằng phương pháp dải cuộn và trên lưng có những rãnh chải xuất hiện với số lượng lớn lớp sớm thay thế cho ngói in dấu vải. Đầu ngói ống xuất hiện chủ yếu là trang trí hình mặt hề. Những đầu ngói hình mặt hề này rất giống với ngói ở Nam Kinh có niên đại Lục Triều sớm tác giả Mariko xếp nhóm này có niên đại thế kỷ thứ 3. Các di tích tầng trên của các di tích Trà Kiệu, di tích Cổ Lũy-Phú Thọ, Thành lồi... đều thấy xuất hiện ngói cong cũng làm bằng phương pháp dải cuộn và trên lưng có những rãnh chải hoặc ô vuông với số lượng lớn. Đồng hành cùng với nhóm ngói âm dương lợp thân mái là nhóm ngói ống có đầu mặt ống dạng hình tròn được lợp ở các diềm mái và góc mái, đầu ngói được đúc nối nhiều mô típ khác nhau như mặt hề mặt Makara, mặt Kala, mặt người cách điệu hoặc hình hoa sơn, hoa cúc. Kết quả nghiên cứu và so sánh loại hình đầu ngói ống mặt hề đã tìm thấy ở Trà Kiệu, Cẩm Phố (Quảng Nam), Thành Trà/Cha (Bình Định), Cổ Lũy – Phú Thọ (Quảng Ngãi), Thành Hồ (Phú Yên) và Tam Thọ (Thanh Hóa), Luy Lâu (Bắc Ninh) có niên đại Lục Triều Sớm (so sánh với ngói Nam Kinh, Trung Quốc từ khoảng cuối thế kỷ 3) có thể thấy kiến trúc sử dụng ngói và đầu ngói ống có niên đại từ thế kỷ 3 - 4 và kéo dài đến thế kỷ 7 liên quan đến Lâm Ấp, Champa gắn liền với vương quốc Shimhapura.
.jpg)
1.2. Nhóm ngói phẳng
Trong nhóm ngói này được phát hiện khá nhiều trong nhóm di tích có niên đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 của vùng Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, phú Yên Để phân loại nhóm ngói này tôi dựa chủ yếu vào các yếu tố kỹ thuật ở phần đuôi và phần mũi ngói để chia thành các loại khác nhau.
Phân loại theo chất liệu, độ nung… hoặc là chưa đủ thông tin, hoặc loại khá đồng nhất, rất khó đưa ra tiêu chí. Vì vậy, chúng tôi dựa vào công năng của ngói để phân thành hai loại 2 loại ngói Lợp và ngói Trang trí. Từ đó, lại căn cứ vào hình dáng, bộ phận (mũi, đuôi) và kích thước để chia ra các kiểu - loại chi tiết/nhỏ hơn.
1.2.1. Ngói Lợp:
Là loại hình vật liệu dùng để bảo vệ các công trình xây dựng khỏi nắng, mưa, gió bão [1]. Theo hình dáng mặt cắt ngang ngói, có thể chia thành hai loại khác nhau: Phẳng lợp thân mái và ngói cong bờ nóc.
Ngói Phẳng: Một viên ngói Phẳng của Champa luôn có 03 bộ phận: Mũi-Thân và Đuôi ngói. Các mảnh thân ngói ít có khác biệt, nên chúng tôi phân loại nhóm ngói này theo các bộ phận Mũi và Đuôi. Phần đuôi ngói của các loại ngói đều giống nhau có phần móc ngói được tạo theo cách bẻ cong toàn bộ chiều ngang của đuôi ngói.
Mũi ngói: Theo hình dáng, các hiện vật thuộc về bộ phận mũi ngói của nhóm ngói phẳng có thể chia thành 03 loại: mũi nhọn, mũi tròn và mũi bằng.
Mũi nhọn: Các mũi ngói dạng này có hình một tam giác cân (vì thế trước nay có thuật ngữ “ngói mũi lá”). Với nhiều kích thước khác nhau phụ thuộc vào chức năng cũng như cấu trúc của các công trình kiến trúc.
Mũi tròn: Phần mũi ngói được vê tròn hình bán nguyệt còn về kích thước và chất liệu hoàn toàn giống nhóm ngói mũi nhọn.
Mũi bằng- hình chữ nhật: Đây là loại ngói có phần mũi được cắt bằng.
Ngói bò nóc: Nhóm ngói này có mặt cắt ngang cong không giống với các dạng ngói cong (ngói âm-dương, ngói ống) thường dùng để lợp thân mái mà gần với dạng ngói bò dùng để úp lên trên bờ mái, nơi tiếp giáp của hai mái. Đáng nói là tất cả các viên ngói thuộc nhóm ngói này đều không có cổ ngói. Vì vậy, tôi hiện vẫn chưa hình dung được cách thức lợp các viên ngói loại này.
Theo hình dáng lưng ngói, chúng tôi chia thành hai loại sau:
Lưng ngói trơn: Dựa vào một số viên có thể xác định được dáng thì đây là loại hình ngói có kích thước lớn, mặt cắt hình chữ U. Hai bên thành của lưng ngói có hai lỗ có thể để chốt đinh hoặc buộc dây.
Lưng ngói có các rãnh, gờ: Đây là loại ngói xuất hiện không nhiều chỉ mới thấy xuất hiện ở di tích Triền Tranh, di tích tháp Khương Mỹ (Quảng Nam). Trên lưng ngói có tạo các đường giật cấp. Một đầu có đục lỗ chốt, nhưng khác với ngói loại 1, lỗ chốt được tạo ở thành gần sát chân ngói. Như vậy, có thể thấy hai loại ngói này có thể được lợp cho hai vị trí khác nhau của bộ mái.
1.2.2. Trang trí trên mái:
Ngói Bẹ: Loại hình ngói này thường 2 loại ngói Bẹ khác nhau: loại có mũi thẳng và loại có mũi cong. Loại hình này cũng đã từng được phát hiện được ở một số di tích Champa khác như An Phú, di tích Khương Mỹ, Triền Tranh, Mỹ Sơn (Quảng Nam)
Ngói Bẹ mũi thẳng: Đây là loại ngói được làm bằng đất sét mịn pha ít cát, có nhiều vân sét trắng, độ nung thấp. Ngói có mặt cắt dạng chữ V, thân ngói được vuốt nhỏ dần về phía đuôi ngói. Phần đuôi có mấu cài hình chóp nhọn ở chính giữa bản ngói, lưng ngói để trơn, không có trang trí hoa văn. Kích thước ngói lớn nhưng mỏng: dài nhất 40cm, rộng nhất 24cm, dày 1,7cm.
Ngói Bẹ mũi cong: Có mặt cắt hình chữ V mũi cong được phát hiện ở khu tháp tháp L mỹ Sơn, khu di tích Triền Tranh, khu tháp Khương Mỹ, di tích An Phú..., được làm bằng đất sét mịn. Ngói được làm bằng khuôn sau đó được sửa bằng tay trên lưng ngói vẫn còn vết cắt dọc từ mũi ngói xuống thân ngói.
Điểm qua như vậy có thể thấy ngói lợp mái kiến trúc Champa toàn tại hai nhóm ngói với cách thức lợp mái và niên đại khác nhau. Một bộ mái lợp ngói âm dương với các dầu ngói ống trang trí lợp cho diềm mái và các góc mái của kiến trúc. Niên đại khởi dựng của thành Trà Kiệu từ thế kỷ 3- 4 đến thế kỷ 7, liên quan đến Lâm Ấp, Champa. Bộ mái lợp ngói phẳng với các góc mái được trang trí bằng Ngói bẹ cong liên quan đến một loạt các di tích sau thế kỷ 10 như khu tháp L Mỹ Sơn, khu di tích Triền Tranh, Khương Mỹ, An Phú,.... Vậy một câu hỏi đặt ra là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10 các kiến trúc của Champa tồn tại như thế nào vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu?
Khi so sánh kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học cũng như thực tế của nhóm ngói lợp mái đồng đại giữa Champa và Đại Việt có thấy một số điểm đáng lưu ý.
Cuộc khai quật năm 1998 gần địa điểm đền thờ vua Đinh, vua Lê ngoài việc tìm thấy ngói ống và đinh ngói trang trí hoa sen, còn tìm thấy một số lượng đáng kể ngói mũi nhọn rất giống loại hình ngói Phẳng mũi nhọn Champa. Đoàn khai quật đã phân thành hai loại. Loại 1: Hoàn toàn giống ngói Champa. Loại ngói Phẳng thân hình chữ nhật, mũi ngói nhọn, móc ngói được bẻ cong toàn bộ theo bản rộng của ngói. Có kích thước phổ biến dài, rộng, dày. Cho đến thời điểm hiện tại đây là bằng chứng sớm nhất về ngói mũi nhọn tại miền Bắc Việt Nam.
Loại 2: Cũng là loại hình ngói Phẳng như loại 1 nhưng trên mặt dưới bản ngói có hai gờ nổi chạy dọc theo thân ngói. Đây là điểm khác biệt với ngói Phẳng đã được tìm thấy ở Triền Tranh (Duy Xuyên). Hai loại này được xác định niên đại cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 11. Sưu tập hiện vật ngói Phẳng ở Hoa Lư cũng có những tiêu bản có bề rộng lớn hơn và được cho là muộn hơn.
Ở các di tích kiến trúc Lý, cho đến nay chỉ phát hiện được ngói Cong, chưa tìm thấy ngói Phẳng.
Theo PGS-TS. Đặng Hồng Sơn cho rằng ngói phẳng “đầu thế kỷ 13 mới được xuất hiện” [9]. Tuy nhiên, kết quả khai quật tại trung tâm hoàng thành Thăng Long đã thu được ngói Phẳng ở những tầng Lý muộn-Trần sớm. Tham gia khai quật và chỉnh lý hiện vật tại đây, chúng tôi cho rằng đến thế kỷ 13, ngói Phẳng đã phổ biến.
Ngói Phẳng Đại Việt (trừ sưu tập Hoa Lư) nói chung có những khác biệt so với ngói Champa.
Thứ nhất: Kích thước phổ biến dài 19cm đến 40cm, rộng từ 14cm đến 24cm, dày 0,7cm đến 2,6cm; cá biệt có loại có kích thước rất lớn dài trên 43cm, dày 4cm và nặng gần 6kg.
Thứ hai: Có loại mũi nhọn, nhưng tỷ lệ phần mũi so với kích thước toàn bộ viên ngói không có chênh lệch lớn như ngói Champa. Chỉ có một số ngói thời Trần mới có phần mũi hình tròn/bán nguyệt. Đặc biệt, cấu tạo ngói Phẳng Đại Việt phổ biến loại ngói sen/Liên ngõa có phần mũi được vuốt đất nhô cao thành “mũi hài”. Đặc điểm này không thấy ở ngói Champa.
Thứ ba: Để lợp, ngói Phẳng Đại Việt cũng dùng móc ngói. Tuy nhiên bộ phận này được gắn, miết thêm vào, không có cùng bản đất sét với thân ngói. Thường là một khối đất nung hình chữ nhật được tạo riêng biệt ở giữa đuôi ngói.
Ngói Phẳng Đại Việt cũng có tạo lỗ chốt, nhưng luôn ở phần đuôi ngói. thường gồm hai lỗ ở hai bên đối xứng qua móc ngói; cá biệt có loại chỉ có lỗ chốt, không có móc ngói.
Theo kỹ thuật học, do kích thước lớn và trọng lượng nặng nên các viên ngói Phẳng khó bị xô dịch theo chiều ngang của mặt mái như ngói Champa. Do đó, các lỗ chốt ở phần đuôi ngói chỉ nhằm mục đích cố định viên ngói với mè mà thôi.
Như đã nói trên, thời Lý, Đại Việt đã có ngói Cong (có lẽ ảnh hưởng Trung Hoa) lợp cả ở thân và đỉnh mái. Cả hai loại đều có tạo cổ ngói để ghép nối với đầu của một viên ngói khác. Đây là điểm rất khác biệt với các viên ngói Bò nóc ở Champa.
2. Giả thiết về kỹ thuật lợp ngói Champa
2.1. Kỹ thuật lợp ngói ở thân mái
Vấn đề là hiện không còn nhiều tư liệu để có thể hình dung, đặt giả thuyết về cách thức lợp ngói Champa. ở bài viết này tôi xin giả thiết về cách thức lợp mái kiến trúc của nhóm ngói phẳng.
Từ đầu thế kỷ 20, H.Parmentier [1] có bản vẽ ghi nhận về một liên kết khung gỗ ở Pô Kloong Garai (Phan Rang). Những năm 80-90 của thế kỷ 20, Trần Kỳ Phương và Shigeda đã căn cứ vào đó để đưa ra giả thuyết về mái che đài thờ trong lòng một kalan. [10]. Nhiều nhà nghiên cứu tán đồng giả thuyết: Ban đầu các kalan chỉ có tường gạch bao quanh, mái lợp vật liệu nhẹ, sau đó mới có mái giật cấp dạng corbel bằng gạch.
Trong một số hình vẽ phục dựng, H.Parmentier có giả định về bộ mái của một số Mandapa ở Mỹ Sơn và Nha Trang. Ông có giả thuyết cả đến các cấu kiện gỗ của bộ mái, về các liên kết khung gỗ của mái nhà Champa nhưng chưa cho biết về cách thức lợp ngói.
Linh mục Nguyễn Trường Thăng, chủ một sưu tập ngói Champa sưu tầm được quanh khu vực Trà Kiệu, là người đầu tiên có một bản vẽ sơ phác về cách lợp ngói [11]
Năm 2009, Ishii Ryuta đưa ra hình ảnh 3D về cách thức lợp ngói Champa [12]
Tuy nhiên, do đặc trưng của ngói Champa là chiều dài thường gấp ít nhất 03 lần chiều rộng, phần mũi lại cũng khá dài... nên nếu lợp như Ishii Ryuta thì mái ngói không thể là một mặt phẳng, sẽ bị hắt mưa, dột nắng. Ts. Nguyễn Hồng Kiên đã thử dựng lại cách lợp ngói Champa bằng hình vẽ và cũng cho rằng có sự bất hợp lý về kỹ thuật: Nếu để đảm bảo mặt phẳng mái thì các mè gỗ để mắc móc ngói sẽ phải dày dần lên gấp đôi, gấp ba, gấp tư… Còn nếu các mè gỗ ấy có kích thước gần như nhau thì ngói lợp sẽ bị vênh lên, không bằng phẳng.
Tôi cũng đã chia sẻ băn khoăn này về kỹ thuật lợp với một số kiến trúc sư nhưng chưa được giải đáp. Rất may mắn, khi tham quan nghiên cứu tại Bảo tàng Dân tộc tôi đã tìm ra câu trả lời.
Trên thực tế, mặt phẳng ngói lợp trên mái không song song với mặt phẳng hình thành bởi các cấu kiện gỗ (rui, mè). Rìa mái của ngôi nhà Sang-lâm/nhà Lẫm của người Chăm (được dựng lại ở Bảo tàng Dân tộc) có một thanh mè đầu tiên có độ dày gấp đôi các thanh khác. Chính độ dày khác biệt của cấu kiện này đã giải quyết sự bất hợp lý trong các giả thuyết của Ishii Ryuta và TS Nguyễn Hồng Kiên.
Như đã biết, tất cả những hiện vật ngói Champa (thu được tại Triền Tranh cũng như các di tích Champa khác từ trước đến nay) đều có móc ngói ở mặt dưới. Các móc này có công năng là để cài ngói vào mè gỗ.
Trong quá trình chỉnh lý hiện vật ở Triền Tranh, chúng tôi phát hiện một số tiêu bản ngói Phẳng (bao gồm cả loại mũi tròn và loại mũi nhọn) vừa có móc ngói, vừa có một lỗ ở phần thân ngói. Trong trao đổi cá nhân với Ts. Nguyễn Hồng Kiên, chúng tôi được biết ở phế tích của Mandapa thuộc nhóm đền-tháp Bánh Ít (Bình Định) và ở nhóm đền-tháp Hòa Lai cũng đã phát hiện một số hiện vật ngói Champa có đục lỗ ở bản ngói.
Các tiêu bản ngói có đục lỗ ở Triền Tranh thường có kích thước dài từ 26cm đến 27cm. Trong đó, phần thân ngói dài 20cm, phần mũi ngói dài 6cm đến 7cm, các lỗ thường được tạo ở chính giữa của viên ngói, cách móc ngói khoảng 10cm đến 11cm.
Vì quá dài, mỗi viên ngói Champa thường được đỡ bởi hai mè gỗ. Mè thứ nhất chính là cấu kiện để cài móc ngói. Mè thứ hai đỡ ở giữa thân viên ngói. Chúng tôi cho rằng lỗ đục giữa thân ngói là để liên kết bản ngói vào với cấu kiện mè gỗ thứ hai (có thể là “đinh” tre, hoặc buộc dây).
Về kỹ thuật học, những viên ngói Champa (có chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng) chỉ được móc vào mè gỗ bằng bộ phận móc ngói rất dễ bị xô dịch theo chiều ngang mặt mái. Lỗ chốt giữa thân ngói được tạo nhằm mục đích cố định viên ngói vào với mè.
2.2.Vấn đề chân mái
Một vấn đề khác của bộ mái lợp ngói Champa là cấu tạo của rìa chân mái. Cho đến nay, ngoài loại hình đinh ngói có in nổi “mặt hề” hay hình hoa của dạng ngói ống, hiện chưa tìm thấy dạng ngói trang trí chân mái nào khác trong các di tích văn hóa Champa.
Sẽ rất kém mỹ thuật nếu chân mái được lợp bằng loại ngói Phẳng có phần mũi nhọn hoặc cong, vì độ dài của phần mũi thường chiếm tới ¼ chiều dài mỗi viên ngói. Từ sưu tập Triền Tranh, chúng tôi cho rằng loại ngói Phẳng có mũi bằng là loại chuyên dùng để lợp ở chân mái. Thực tế chỉnh lý cho thấy số lượng ngói mũi bằng ít hơn nhiều so với hai loại trên Giả thuyết của chúng tôi là: hàng ngói đầu tiên ở chân mái được lợp bằng loại ngói mũi bằng/hình chữ nhật, từ hàng thứ trở lên dùng loại ngói mũi nhọn hoặc mũi tròn.
2.3. Về ngói úp nóc
Dạng ngói cong dạng hình chữ U ở Champa là ngói úp nóc, lợp ở phần tiếp giáp giữa hai mặt mái. Trên thân của những tiêu bản còn nghiên cứu được có những lỗ tròn, nhiều khi đi thành cặp đôi. Về kỹ thuật học, loại lỗ đơn là để đóng “đinh” chốt bằng tre hay gỗ, còn khi đi thành cặp thì là lỗ để buộc dây.
Điều tôi chưa giải quyết được là cách thức lợp các viên ngói Bò này trên mái. Thông thường, các dạng ngói úp nóc luôn có phần cổ ngói giúp viên này gối đè lên viên kia, chống ngấm/thấm nước xuống phía dưới. Các tiêu bản ngói Bò tìm được ở Triền Tranh hoàn toàn không có phần tiếp nối này. Phần tiếp liền giữa hai viên ngói sẽ không thể hoàn toàn khít tới mức không cho nước mưa lọt qua. Cũng do số lượng loại hiện vật này vừa ít, lại vừa không nguyên vẹn, nên chúng tôi chưa thể đưa ra một giả thuyết hợp lý về cách thức lợp. Hy vọng, trong tương lai, khi có nhiều hơn hiện vật loại này, sẽ có kiến giải khả dĩ chấp nhận được.
Lời đóng
Qua các loại hình ngói đã trình bày ở trên, cho thấy ngói ở trong các di tích văn hóa Champa có tính khu vực rất cao, gần gũi với ngói cùng thời ở miền bắc Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt là nhóm ngói âm dương về dáng hình học và các yếu tố kỹ thuật thể hiện trên ngói dường như là mẫu số chung của sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Riêng về cách thức thể hiện trên một số loại hình ngói đặc biệt là loại ngói phẳng lợp thân mái và góc mái phong cách lại bộc lộ rõ nét tính bàn địa, thể hiện qua cách thể hiện các yếu tố kỹ thuật dường như mang một phong cách khác hẳn, khá xa lạ với nghệ thuật truyền thống của Ấn Độ cũng như của Đại Việt và Khme sau này.
[1] Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học Hà Nội: LỢP là: “Làm cho được phủ kín bên trên bằng một vật liệu thích hợp” Nxb Hà Nội – Đà Nẵng, 2001, tr.588.
Tài liệu dẫn
[1] H.Parmentier (Paris 1909-1919), Monuments Cams de L'annam, (Tư liệu Viện KCH
[2] Lê Đình Phụng (2000), Đâu ngói ống Champa, tạp chí KCH số 3).
[3] Lê Đình Phụng (2011), Ngói mũi lá Champa, Tạp chí KCH số 3).
[4] Lê Đình Phụng (2018), Khảo cổ học Champa khai quật và phát hiện. Nxb KHXH, Hà Nội.
[5] Nishimura Masanari,The roof tiles in the later period of Champa, http://www.sudoc.fr..
[6] Yamagata Mariko & Nguyen Kim Dung (2010), Ancient roof tiles found in central Vietnam, 50 years of Archaeology in Southeast Asia – Essays in Honour of Ian Glover, River book, pp. 195-205.
[7] Pierre -Yves Manguin (2006), Les tuiles de l’ancienne Asie du Sud-Est: essai de typologie. In Anamorphoses Hommage à Jacques Dumarçay (Académie des Inscriptions & Belles-Lettres), tr 275-309.
[8] Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Phụng, Trần Quý Thịnh, Nguyễn Văn Mạnh (2016) Di tích khảo cổ học Triền Tranh (Quảng Nam) “ Những nhận diện giá trị đặc trưng qua cuộc khai quật năm 2015” Nxb KHXH, Hà Nội
[9] Đặng Hồng Sơn, Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Văn Anh và đoàn khai quật (2018), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Phong Lệ chammuseum.vn.
[10] Trần Kỳ Phương (2012), Khảo luận về kiến trúc đền-tháp Champa tại miền Trung Việt Nam. http://www.nguoicham.com./
[11] An Tôn Nguyễn Trường Thăng (2017), Lưu dấu Chăm-pa cố đô Simhapura-Trà Kiệu thế kỷ I đến XI, Nxb Hội nhà văn.
[12] Ishii Ryuta (2009), Ngoi mui in the central Vietnam. Paper presented at the annual conference of the Japan Society for Southeast Asian Archaeology, Tokyo. 14th, Nov, 2009 (in Japanese).
[13] Nguyễn Anh Thư (2014), Đồ gốm Champa thiên nhiên kỷ I sau công nguyên qua tư liệu một số cuộc khai quật khảo cổ học, luận án tiễn sĩ, tư liệu Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. (Một số nhận định được trích dẫn trong các bài viết của GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung)
[14] Yamagata Mariko & Nguyen Kim Dung (2010), “Ancient roof tiles found in Central Vietnam”,50 years of Archaeology in Southeast Asia - Essays in Honour ofIan Glover, River book, pp. 195-20
ThS Nguyễn Văn Mạnh
(Viện Khảo cổ học)
24 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)