Một lúc nào đó mà thời gian cả không gian như ngày tháng ,trưa chiều..tiết trời nóng lạnh…cả việc làmđã cho ta cảm giác hụt hẫng vì đã qua ,đôi khi lại xót xa.Tôi đã có nhiều lần như thế khi cầm thước đo vẽ khu kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn .Tưởng như ông vẫn còn ngồi bơ phờ trên bờ gạch đỗ với cái sổ tay ghi chép .Tôi nhớ kiến trúc sư Kazit!
Buổi sáng tháng 3,tôi nhớ không lầm là ngày 20 năm 1997,vừa vào cơ quan Bảo Tàng Quảng Nam –Đà Nẵng số 24 Lê Duẩn,t.p Đà Nẵng(nay là Bảo Tàng Mỹ Thuật t.p Đà Nẵng ,78 Lê Duẩn) .Mọi người xáo xát thông báo chuyên gia Ba Lan, tu bổ di tích Chăm,ông Kazit vừa qua đời hôm qua ở Huế. Tôi dự tính xin phép cơ quan và đi xe đò ra Huế.May thay hôm sau nhà văn Thái Bá Lợi xin cho tôi đi nhờ xe cơ quan người bạn -anh nhà văn Đà Linh đang làm ở nhà xuất bản Đà Nẵng . Chuyện rằng kiến trúc sư Kazit đã thiết kế trụ sở nhà xuất bản nầy ,nên nghe tin ông mất các anh nhà xuất bản phải đi dự đám tang là chuyện nên làm .
Tên ông viết khá dài và nhiều lần tôi đã viết sai Kazimierz Kwiatkowski ,sinh năm 1944 tại Lubin,Balan .Là kiến trúc sư về bảo tồn đã tham gia nhiều công trình ở các di tích ở Ai Cập,Waszawa.Vào năm 1981 đứng dầu của nhóm chuyên gia tu bổ Balan ,công ty PKZ cùng xưởng tu bổ Di TíchViệt Nam(nay là Viện Bảo Tồn Di Tích) trong chương trình hợp tác tu bổ các tháp Chăm ở miền Trung .Ông mất năm 1997 -cái tuổi mà ông bà ta thường nói quỡ rằng :bốn chín chưa qua ,năm ba đã tới .Ông qua đời đột ngột bị đột quị trong khách sạn thành nội Huế trong giấc ngủ trưa. Những bạn bè ,đồng nghiệp người Việt nơi xa như Hà Nội đều kịp vào Huế thắp cho ông nén hương.Người con trai của ông cũng là kiến trúc sư đang cùng ông tu bổ di tích kiến trúc cung đình Huế cũng có mặt từ khi ông qua đời.Và trang trọng nhất là buổi lễ truy điệu ông với linh cửu được quàn trong một nơi của cung điện xưa nhà Hữu Vu sau điện Thái Hòa trong Đại Nội . Tiễn ông còn có đầy đủ nhạc lễ cổ truyền của Ta và cả Tây –đội kèn Ta cùng đội kèn Tây.
Tôi nhớ rõ cái ngày đầu tiên đón ông đi cùng với ngài phó giám đốc công ty PKZ từ nơi xa xôi Ba Lan đến miền Trung Việt Nam ,khảo sát khu tháp Chàm Mỹ Sơn .Vào tháng 9 năm 1980 là mùa mưa bão. Trước hai ngày,cơ quan tôi-phòng Bảo Tồn- Bảo Tàng cử anh Trần Phương Kỳ và tôi đi xe đò chạy bằng than đá từ Đà Nẵng vào Duy Xuyên .Xe ngừng ở ngã ba Nam Phước chúng tôi tiếp tục đi bằng xe đạp đã gởi trên trần xe đò và tiếp tục về trung tâm huyện dưới trời mưa không ngớt .Nước sông đoạn qua cầu Chìm đang lên.Chúng tôi nhanh chóng qua bên kia cầu để có thể nghỉ ngơi nơi phòng Văn Hóa Thông Tin huyện .Chú Lê Thành Toán(**) phó phòng ân cần đón chúng tôi,sắp xếp chổ nghỉ ,phơi phóng đồ bị nước mưa làm ướt.Và nhớ nhất hình ảnh chú vất vả giúp tìm quán ăn đi loanh quanh trong xóm .Cảm động nhất là những tô Mì Quảng được chú Toán trả với số tiền nhỏ nhưng cất kỹ trong cái khăn tay màu đỏ. Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục đạp xe vào Mỹ Sơn với những lời dặn dò của vị phó phòng đáng qúi nầy.Ngày ấy đường lên Mỹ Sơn, kí hiệu 610 chỉ là khái niệm đường đất đá lổn nghổn với đầy ổ trâu, ổ voi .Nhiều đoạn phải xuống xe dắt qua.Lại một đêm chúng tôi ngủ trong ngôi nhà tạm bằng tranh tre của công trường sắn dựng sơ sài và như là ngôi nhà duy nhất ở khu đồi hoang vu trên tỉnh lộ 610 đi mỏ than Nông Sơn là nơi bắt đầu lối vào khu tháp Chàm. Nơi nầy chúng tôi gởi lại xe đạp cũng xin thêm thông tin đường đi bộ vào núi, vào Mỹ Sơn. Mưa và mưa,mưa như trút! A Kỳ mang kính cận,nước mưa làm nhòe mặt kính không nhìn thấy đường để đi. Tôi nhanh chónh tháo cái nịt quần làm sợi dây dẫn anh đi.Cùng tin cho biết đoạn đường mà chúng tôi đang đi chỉ là đường mòn của người dân địa phương đi củi và vẫn còn rất nhiều bom mìn ở hai bên. Và tin từ các anh ở công trường sắn là ngày hôm qua lính công binh đi tháo gỡ bom mìn và phát quang khu tháp đã có người bị tử thương . Đoan đường núi đồi, chỉ 5cây số nhưng chúng tôi phải mò mẫm gần tiếng đồng hồ dưới trời mưa như trút mới vào được khu tháp.Nước từ đỉnh Núi Chúa/Hòn Đền đỗ xuống chảy qua khu tháp như những cơn lũ .Nước làm lòng khe Thẻ hẹp,nhỏ dâng nhanh .Chúng tôi không trở ra được như bị cô lập bên trong thung lũng.Còn đoàn của chuyên gia tu bổ dự tính ngày hôm nay vào khảo sát cũng không thể tiếp cận được khu tháp vì nước lũ về dâng cao khe Thẻ .Việc đón,dẫn khách đi tìm hiểu thực trạng di tích của a Kỳ và tôi xem như không hoàn thành nhiệm vụ.Than ôi! mưu sự tại nhân ,thành sự tại thiên!.Có phương án của lãnh đạo Huyện là căng dây an toàn từ bờ bên nầy sang bờ bên kia của khe Thẻ cho chuyên gia đi.Nhưng có lẻ không thực hiện được vì quá nguy hiểm!mặc dù phía chuyên gia quyết tâm đi.
Những ngày tháng ,năm tiếp theo ,riêng kiến trúc sư Kazit đã có mặt ở trong lòng thung lũng có khí hậu khắc nghiệt nầy .Cùng với các chuyên gia Việt Nam,những người công nhân địa phương ầm thầm dọn dẹp phát quanq,đo vẽ,khảo cổ rồi xây giữ ,gia cố từ những năm 1981 đến 1993.Mỗi năm vào đầu tháng một đến tháng sáu công trường hoạt động. Trải qua những mùa đông, trong khu tháp rêu ẩm,có những ngày mưa giá lạnh mà con người từ xứ lạnh như ông phải nhờ người công nhân, các anh bảo vệ mà những tối lạnh cùng ông gom những lá ,củi khô để đốt, sưỡi ấm.Hay những ngày hè chói chang ,nóng hầm hập như lò bánh mì ,ông trần trụi người chỉ còn lịch sự tối thiểu với mọi người chung quanh với cái quần lót.Đêm ngủ trong lán tre nhưng cũng có khi trong lòng tháp .Và lòng tháp B5 như là khách sạn của ông và tôi trong những ngày làm việc nơi nầy.Nơi nầy cũng là lũ dơi thường vào ngủ ,đêm khuya bay soàn soạt ồn ào Kazit không ngủ được.Ông có sáng kiến quấn cỏ khô làm ngọn đuốc cao xua đuổi đàn dơi ,không may tàn lửa rơi xuống làm cháy cái mùng .Ông vẫn để như vậy chấp luôn muỗi rừng. Những bữa ăn ở tận cùng ở thung lũng nầy chỉ mấy con gà kho mặn được các anh bảo vệ khéo tay biến chế để ăn nhiều ngày ,vì phải mua từ ngoài làng xa .Tôi cố gắng cải thiện bữa ăn trong vài buổi chiều câu cá trong khe .Nhớ có chiều câu được đến 5con cá lát ,ông thốt lên so sánh với tôi như nhân vật của tiểu thuyết Ngư Ông Và Biển Cả của nhà văn Hemingway .Có tết tôi cùng ông đón giao thừa khá đầy đủ với rượụ voka đặc sản mang từ quê hương ông,cùng pháo Nam Ô ,với phong lớn và dài mua từ Đà Nẵng. Nhưng ông đã thấy mình sai lầm khi âm thanh của tiếng nổ lớn đã ảnh hưởng đến kiến trúc gạch cổ.Lại vui mừng có lon thịt hộp ngon của bạn gởi cho nhưng không có đồ khui,tôi phải mở bằng cái kiềm nhổ đinh của tôi thường mang theo trong ba lô để đóng toan vẽ .Có hôm những người công nhân nhà ở địa phương mời chiều về ra làng dự đám giỗ.Rượụ quốc lũi làm say để tối về , tôi và ông ngất ngưỡng chân nam đá chân chiêu qua khu tháp B nhìn ngọn B5 nghiêng ông thốt lên :ê Hỷ! tháp xỉn ,nhưng chúng ta không được xỉn để cứu lấy…
Trong nhật kí của tôi ghi rõ : tháp cuối cùng Kazit gia cố là tháp E7.Phần gờ lồi ra của chân tháp bị hỏng được xây gia cường nhưng bằng vữa liên kết vôi đá (mua từ nhà máy vôi Long Thọ,Huế).Khác chất liệu gia cố trước đây cho các tháp khác là xi măng.Ông là người lắng nghe nhiều ý kiến phản biện và lần nầy ông tâm sự với tôi rằng:sau khi đi thăm khu đền AngCor ở CamPuchia ông đã thay đổi chất liệu kết dính.Chuyện về tu bổ kiến trúc gạch ,nhất là kiến trúc của người Chăm xưa chắc còn phải bàn nhiều cho đến nay.Nhưng với nhận xét của tôi thì ông không muốn những người hôm nay bị nhầm lẫn thành phần kiến trúc tu bổ với thành phần kiến trúc gốc.Như các con tiện bằng sa thạch ở 2 tháp D1và D2 bị hỏng ông đã phục chế lại nhưng vẫn cố tình không dùng khối tròn giống nguyên gốc mà là khối dẹt.
Đã đúng 19 năm ông mất,năm trước dẫn các anh trong đài truyền hình QRT vào di sản Mỹ Sơn xem lại những viên gạch,những bức tường mà ông đã gia cố ,tu bổ.Mọi công việc mà trong điều kiện khi ấy-(khó khăn trong điều kiện sinh hoạt của núi rừng)vẫn cho người hôm nay có cảm nhận để hiểu ra rằng CÁI KHÁI NIỆM TU BỔ DI TÍCH ,nhất là di tích kiến trúc làm bằng gạch .Là kiến trúc sư bảo tồn có nhiều kinh nghiệm và từ lò đàò tạo của Ba Lan khá nổi tiếng trên thế giới, Kazit đã làm tốt ở di tích Mỹ Sơn;Chiên Đàn (Quảng Nam);Tháp Đôi(Bình Định);nhóm Pô klông Girai(Ninh Thuận). Vẫn cố gắng gìn giữ yếu tố gốc của ban đầu ,rõ hơn là giữ được tính CHÂN XÁC trong việc tu bổ di tích. Hơn thế nữa ông đã nhìn ra những kiến trúc gỗ ở phố cổ Hội An cũng cần phải được gìn giữ.Đôi mắt tinh tường của nhà trùng tu đã dự đoán ngày ấy ,khi nhìn khu phố cổ buồn với ngọn đèn dầu leo lắt.Và một giấc ngủ dài của nàng công chúa một thời hoàng kim đã được chính ông góp công đánh thức nay đã là di SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI cùng với Mỹ Sơn .nhộn dịp khách thăm hôm nay…Năm ngoái,sáng ngày 16 tháng 3 ,tức là còn 3 ngày nữa nhớ ngày ông mất 19 tháng 3 .Trong thung lũng mà một ngày có đủ bốn mùa :sáng xuân,trưa hạ, chiều thu,tối đông.Đúng như vậy mặt cho biến đổi khí hậu ,là trời đã về trưa ,nắng tháng 3 ,khu di tích tháp Chàm Mỹ Sơn nóng lên.Hôm ấy, trong thung lũng nầy lại đông người hơn.Cả khách mời lẫn khách tham quan đợi xem buổi công chiếu ra mắt phim tư liệu khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.Cái tên in đâm trên tấm pa nô to gắn ở sân khấu nhà biễu diễn văn nghệ dân gian Chăm :MỸ SƠN THUNG LŨNG THẦN LINH VÀ NGHỆ THUẬT đã càng hấp dẫn mọi người nhất là du khách phải dừng chân cố vào bên trong xem.Tôi đã háo hức vào sớm để xem phim mà nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương –người thân thiết với Kazit,đã nhiều lần khăn gói cùng ông vào đây nghiên cứu .Nay viết kịch bản cho phim nầy.Gặp lại nhiều người thân quen,chỉ nơi lòng tháp B5 nơi mà tôi và Kazit đặt giường nằm ngủ. Và năm 2017 kỷ niệm lần thứ 20 ngày mất của ông ,đại sứ quán Ba Lan đã chuẩn bị một cuốn sách do nhà văn Jacek Zygmunt Matuszak với sự chuẩn bị khá công phu-đi lại và tìm hiểu cụ thể những nơi và con người mà kiến trúc sư Kazit đã đến và làm việc. Hồi Ức Một Con Người Đặc Biệt là cuốn sách nhỏ viết khá tỉ mĩ về người kts –một con người cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa thế giới và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giũa Ba Lan và Việt Nam(lời tác giả cuốn sách) .Cũng nói thêm là sau một năm ngày mất của ông các bạn bè Việt Nam cũng đã có cuốn viết Về Kazit Với Bạn Bè do nhà văn Thái bá Lợi,nhà văn Đà Linh (**) tập hợp bài viết để nhà xuất bản Đà Nẵng kịp thời gian thương nhớ và tri ân con người ở xa có công lao gìn giữ văn hóa,kiến trúc cổ.
Mỗi lần đến thăm lại Mỹ Sơn thăm lại những người bạn bảo vệ tháp, tôi còn nghe đâu đây tiếng gọi thân thương của ông:Thu ơi…Minh ơi(**)…quốc lũi,hột vịt lộn .Còn tôi ,ông là người thầy đầu tiên để tôi học hỏi về tu bổ kiến trúc gạch … Nhanh quá !trong bóng nắng và bóng tháp tôi thấy Kazit với chòm râu tóc bơ phờ nhưng vẫn rạng nét cười nhìn tôi.
(*)Viết kỷ niệm lần thứ 28 ngày mất của chuyên gia BaLan tu bổ di tích tháp Chăm miền Trung , kiến trúc sư có tên gọi thân mật là Kazit .
(**) chú LÊ THÀNH TOÁN , là cán bộ về hưu,nay đã 94 tuổi và sống ở quê nhà Duy Trinh.;anh Thu cũng đã nghỉ hưu;Lê Minh vẫn còn công tác Bảo Tồn ở Di Tích Còn nhà văn Đà Linh cũng đã đi xa..
Nguyễn Thượng Hỷ
20 Tháng 3,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- PHỐI HỢP VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC TUẦN TRA, TRUY QUÉT BẢO VỆ RỪNG TẠI KHU BẢO VỆ CẢNH QUAN (21.04.2025)
- TỌA ĐÀM VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NỀN VĂN HÓA SA HUỲNH VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA SA HUỲNH - CHAMPA Ở MIỀN TRUNG VIỆT NAM (04.04.2025)
- Hoàn thành đại hội các chi bộ trực thuộc Đảng bộ Ban Quản lý (02.04.2025)
- CHI ĐOÀN BQL DI SẢN VĂN HÓA MỸ SƠN TỔ CHỨC SINH HOẠT CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH & 50 NĂM GIẢI PHÓNG QUẢNG NAM (24.03.2025)
- Liên kết du lịch từ Đông sang Tây “Cung đường di sản Hội An - Mỹ Sơn - Cổng trời Đông Giang: Nơi thiên nhiên giao hòa cùng văn hóa.” (12.03.2025)
- Ban Quản lý làm việc với Đoàn Nhật Bản vào chiều ngày 6/3/2025 (10.03.2025)