NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC BẢO QUẢN VẬT LIỆU Ở DI SẢN VĂN HOÁ THẾ GIỚI MỸ SƠN

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC BẢO QUẢN VẬT LIỆU Ở DI SẢN VĂN HOÁ THẾ GIỚI MỸ SƠN

Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 4/12/1999 bởi những giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Tại đây, qua phát hiện nghiên cứu của các nhà khoa học, khu di tích này với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp được các triều đại vương quốc Champa xây dựng qua 9 thế kỷ. Thế nhưng, chiến tranh và thời gian đã hủy hoại Mỹ Sơn, hiện nay Mỹ Sơn còn lại khoảng hơn 40 đền tháp còn tương đối nguyên vẹn, nhưng hằng ngày khu di tích này vẫn đang đối diện với nguy cơ đổ nát bởi sự xâm thực của tự nhiện, sự tác động của con người.  Hơn một trăm năm phát hiện và nghiên cứu Mỹ Sơn, vấn đề bảo tồn di tích cực kỳ quan trọng này vẫn còn là vấn đề nan giải, đặc biệt là bảo quản bề mặt đền tháp, chống rêu mốc, địa y ở những mảng tường gốc và muối, mủn hoá ở những đền tháp mới trùng tu. Vì vậy, Mỹ Sơn cần có những nghiên cứu khoa học đầy đủ nhất, chính xác nhất để làm cơ sở cho việc thực hiện công tác bảo tồn giai đoạn bây giờ cũng như về sau.

Đền tháp tại Mỹ Sơn chủ yếu được xây dựng bằng gạch, một số trang trí bằng sa thạch như: trụ cửa, lanh tô, thành phần trang trí, đài thờ…Hiện nay Ban quản lý di sản văn hoá Mỹ Sơn đã kiểm kê có hơn 40 đền tháp, hệ thống tường bao và 1.803 hiện vật phần lớn là hiện vật bằng chất liệu sa thạch, đất nung và gốm. Bao gồm hiện vật là thành phần kiến trúc, điêu khắc, trang trí, đài thờ, bia ký, tượng thần, con vật thần...Số hiện vật đang trưng bày tại chỗ trong khu di tích là 708 hiện vật, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn 93 hiện vật, số còn lai được bảo quản trong kho.

Việc bảo quản vật liệu tại di tích Mỹ Sơn giống như một bảo tang mở, tất cả đền tháp, tường bao và hầu hết hiện vật đang trưng bày ngoài trời tự nhiên trong điệu kiện môi trường tại thung lũng Mỹ Sơn là một thách thức lớn trong công tác bảo quản. Cùng với đó là biến đổi khí hậu dẫn đến nắng lắm, mưa nhiều làm cho độ dãn nở của đền tháp, hiện vật tác động mạnh hơn, dễ nứt, sứt và rêu, mốc xâm hại nhiều hơn.

1. Vật liệu xây dựng tại Mỹ Sơn theo kết quả nghiên cứu của Viện Bảo tồn Di tích về các đặc tính gạch Chăm Khu Di tích Mỹ Sơn 2008.

1.1Vật liệu gạch:

 Kỹ thuật sản xuất gạch, người xưa đã sử dụng những vật liệu tại chỗ, dễ chế tạo, dễ kiếm tìm, nung luyện, song lại đạt được các yêu cầu về tuổi thọ và chịu lực, về kiến trúc và điêu khắc trên gạch.

Gạch ở Mỹ Sơn nhìn chung xốp, mềm nhẹ hơn gạch hiện nay. Trong thành phần của đất sét làm gạch có trộn thêm Trấu, chất hữu cơ mịn. Thành phần silica cao hơn gạch hiện nay khá nhiều. Có sự cân bằng độ PH của sét khi làm gạch. Có thành phần Gơtit khó giải thích. Gạch được nung thủ công không đồng đều, nhiệt độ giao động từ 700ºC - 850 ºC một số viên từ 850ºC đến dưới 1000ºC. Gạch được nung hạ nhiệt từ từ, vì thế không thấy xuất hiện các vết nứt do nung. Chính điều đó làm cho viên gạch ít bị biến dạng, ít cong vênh, chín đều cả trong lẫn ngoài.

Đền tháp được xây dựng bằng phương pháp mài chập, sử dụng nhựa cây tự nhiên làm chất kết dính, tạo thành một khối lớn, vững chắc, chống chịu được mưa, gió và thời gian. Sau đó có thể xử lý lớp vỏ bên ngoài nhằm giữ bề mặt gạch không bị nấm, mốc, rêu và các loại vi sinh khó có điều kiện thuận lợi để phát triển.

1.2 Vật liệu đá

Đền tháp Mỹ Sơn sử dụng đá ít, chỉ có tháp B1 có phần đế và các chi tiết kiến trúc nhỏ như trụ cửa, lanh tô, tai lửa, chóp tháp, bậc cửa, trang trí áp tường, điểm trang trí góc, đài thờ, bia ký được làm bằng đá. Khác với vật liệu gạch chỉ nung trước khi xây, vật liệu đá lại được chế tác hoàn chỉnh rồi mới gắn vào tường tháp.

Về bản chất hoá học, sa thạch có chứa khoáng silicat (mica, chlorit, feldspars) có thể có phản ứng hoá học với nước nhưng thời gian phản ứng xảy ra vô cùng chậm. Sau khi các phản ứng xảy ra, một vài ion kim loại (calcium, aluminum, potassium, sodium) được tách ra; hầu hết sa thạch không tan nhưng nó sẽ chuyển sang một loại khoáng sét mềm hơn và có kích thước lớn hơn (trương phồng). Sa thạch thường xốp, nước mưa có thể thâm nhập sâu và nước có thể tiếp xúc với các khoáng trong thời gian dài sau mỗi lần mưa do vậy sa thạch thường xuyên ẩm ướt. Kết quả một lớp bề mặt dày khoảng vài milimet trở nên mềm và trương phồng. Đó chính là nguyên nhân gây sự xuống cấp các bề mặt đá được đặt ngoài môi trường như có thể thấy rất rõ trên các hiện vật còn lại ở Mỹ Sơn hiện nay, dầu ở ngoài trời hay có mái che.

1.3 Các vật liệu khác

Ở Mỹ Sơn chúng ta còn gặp một số vật liệu khác như đá ong (Nhóm tháp G), đá- sỏi trong lớp lõi tường của các tháp F, gia cố móng.  Các đền tháp còn sử dụng một số vật liệu khác trong xây dựng như: các thành phần gốm trang trí, ngói đất nung lợp mái, xây lõi tường, chì dùng làm chốt liên kết các phiến đá…

Nói đến vật liệu xây dựng tháp Champa còn phải kể đến các chất kết dính, liên kết các thành phần vật liệu gạch và đá. Tuy nhiên, đến nay bản chất các chất kết dính này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay có tới ba hệ chất kết dính đang được sử dụng trong trùng tu các đền tháp Champa (là nhớt bời lời, nhớt ô dước - đất tổ mối và dầu rái), nhưng chưa có loại nào được công nhận về mặt pháp lý. Tại Mỹ Sơn từ dự án hợp tác 3 bên Việt Nam-Unesco -Italia (2003-2013) đến nay, đều thống nhất chọn dầu rái làm chất kết dính các lớp gạch bên ngoài. Phần lõi tường là sự kết hợp gạch vỡ, vôi và bột gạch.

Nhìn chung, kỹ thuật và vật liệu xây dựng của các đền tháp ở Mỹ Sơn nói chung đều theo nguyên lý như vậy. Tuy nhiên, về kỹ thuật, vật liệu xây dựng các đền tháp Mỹ Sơn nói riêng, Champa nói chung còn rất nhiều bí ẩn chưa thể giải mã, hiện vẫn đang là thách thức đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. [1]

2. Thực trạng, nguy cơ trong bảo quản vật liệu tại di tích Mỹ Sơn.

Hiện nay, các đền tháp ở khu BCD, trung tâm di tích được gia cố lại những năm 1980s, vật liệu gạch chủ yếu sử dụng lại gạch cũ và kết dính bằng vữa ximăng. Tuy nhiên, rêu, mốc và các loại vi sinh phát triển rất nhiều, làm hủy hoại bề mặt gạch trùng tu và lây lan đến những mảng tường gốc.

Các khu tháp A, H, K, E7, G mới được trùng tu (2003-2022) có sử dụng gạch phục chế và liên kết bằng vữa dầu rái, vôi vữa…sau thời gian ngắn đã xuất hiện hiện tượng muối, mủn hoá bề mặt gạch mới và rêu mốc xuất hiện rất nhanh.

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng biểu hiện rõ nét với tầng xuất dày đặc hơn. Thung lũng Mỹ Sơn có thể nói tác động rất rõ rệt. Nắng lắm, mưa nhiều đều gây tác động không tốt đến di tích và hiện vật đang trưng bày ngoài trời.

Công tác đảm bảo khách tham quan đối với việc không sờ, tiếp xúc với hiện vật, di tích cũng là một vấn đề. Không thể rào giới hạn mọi hiện vật, di tích nên việc đảm bảo khách tham quan không tác động lên hiện vật, di tích của du khách là rất khó khăn, phức tạp.

Lũ lụt tại di tích Mỹ Sơn cũng thường xuyên xảy ra vào các tháng mưa bão, nước lũ có thể dâng lên sân khu D cao nhất từng ghi nhận là 1,3m gây mất an toàn cho những hiện vật đang trưng bày tại đây.

Công tác bảo quản vật liệu với tình hình hiện nay theo chúng tôi hiệu quả nhất đó là vệ sinh định kỳ di tích và hiện vật đang trưng bày. Nếu để rể cây, cỏ phát triển có thể len lỏi vào từng thớ gạch và từng bước làm tách lớp và giảm độ liên kết giữa các lớp gạch với nhau.

3. Những kết quả ứng dụng bảo quản vật liệu tại Mỹ Sơn

Những năm cuối thế kỷ XX có một vài thử nghiệm về bảo quản bề mặt gạch trên đền tháp bằng chất liệu dầu rái đun sôi và quét mỏng lên bề mặt gạch gốc ở tháp D2. Qua quan sát, theo dõi trong khoảng 02 năm đầu hiện tượng rêu, mốc giảm hẳn. Tuy nhiên, sau đó dần dần nấm, mốc địa y quay trở lại bình thường như mảng tường đối xứng.

Khi tháp E7 trùng tu xong năm 2015 cũng thử nghiệm bảo quản bề mặt gạch mới trùng tu ở phần mái tháp bằng lớp dầu rái mỏng. Đến nay, qua quan sát chúng tôi thấy lớp bảo vệ dầu rái đã phai nhạt và không còn tác dụng.

Hợp tác với Viện công nghệ VinIT và chuyên gia Nga nghiên cứu, lấy mẫu gạch tại khu BCD làm thí nghiệm hóa bảo vệ bề mặt gạch, tôi bảo vệ bề mặt gạch. Các mẫu thí nghiệm hiện đang đặt tại tháp B4, khu Di sản Mỹ Sơn.

Năm 2017 Viện bảo tồn di tích phối hợp với BQL thử nghiệm bảo quản bề mặt tường tháp ở tháp F1 (trong nhà bao che) và F2 ngoài trời tự nhiên. Kết quả là chất bảo quản cơ bản giúp bề mặt gạch cứng và hạn chế rất nhiều rêu, mốc, địa y xâm hại. Tuy nhiên màu sắc sau bảo quản có cảm giác mới, chưa gần với màu tự nhiên của gạch cổ.

Từ tháng 4 năm 2022, thực hiện việc hợp tác giữa Ban quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn với Viện Bảo tồn Di tích thi công thử nghiệm xử lý nấm mốc, địa y, rêu, tảo trên bề mặt vật liệu gạch và đá tại một vị trí xác định tại tháp B4 và E7 khu di tích Mỹ Sơn. Được thực hiện ở các mảng tường có quá trình trùng tu, gia cố các giai đoạn khác nhau đó là: Niên đại các tháp khác nhau, được trùng tu trong các giai đoạn khác nhau, có yếu tố tác động thời tiết nắng mưa khác nhau, bề mặt vật liệu bị nấm mốc, địa y, rêu tảo xâm hại nhiều. Khu vực thử nghiệm ít ảnh hưởng đến các hoạt động của khu di tích.

Nhóm kỹ thuật chọn những ngày nắng nóng, tường tháp khô ráo, thực hiện các bước xử lý rêu, nấm, địa y bề mặt gạch, đá sạch thật sạch sẽ, cẩn thận, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc. Sau đó phun một lớp hoá chất mỏng lên bề mặt tường tháp và đá trụ cửa. kết quả như sau:

Đối với mảng tường gốc B4 có niên đại thế kỷ IX thuộc phong cách Đồng Dương, đối xứng bên trong và bên trên đã được gia cố bằng gạch gốc với ximang. Trong thời gian 6 tháng đầu mảng tường sau xử lý rất đẹp, rêu, mốc địa y không còn, màu sắc được phục hồi tương đồng với màu sắc các mảng tường gốc khác không bị rêu, mốc địa y. Tuy nhiên sau đó có hiện tượng rêu, mốc xâm nhập lại từng bước và màu sắc cũng dần chuyển nhạt hơn. Đầu năm 2024 nhóm kỷ thuật xử lý lại và đến nay cơ bản hiện tượng rêu, mốc địa y không có, màu sắc đảm bảo tốt.

Đối với mảng tường trùng tu bằng gạch cổ với chất kết dính xi măng cơ bản ổn định màu sắc và rêu mốc địa y ít phát triển.

Đối với trụ đá cửa B4, từ khi xử lý nấm mốc đến nay không có hiện tượng rêu, mốc, địa y quay trở lại, bề mặt rắn chắc, màu sắc hiện vật không thay đổi, biến dạng. Có thể nói, việc xử lý bảo quản trên chất liệu đá rất thành công.

Tại tháp E7, Chọn tại góc Đông Bắc của tháp, nơi có tường gốc, tường trùng tu năm 1990 bằng gạch cổ và 2013 bằng gạch phục chế. Qua xử lý nâm mốc đến nay nhìn nhận bề mặt tường tháp rắn chắc, nhưng vẫn có hiện tượng rêu xâm hại trở lại ở bề mặt gạch có tiết diện ngang và độ ẩm cao.

Tháng 4/2024 BQL hợp tác với Viện bảo tồn di tích thực nghiệm chống mủn mục bề mặt gạch đá bên trong tháp D1. Các điểm thực nghiệm đó là một phần tượng đá đang trưng bày trên tường Nam bên trong D1, 1 mảng tường 0.1m2 trùng tu và 0.1m2 tường nguyên gốc. Đến nay qua quan sát, theo dõi việc tôi hoá bề mặt giúp bề mặt vật liệu cứng hoá, không còn hiện tượng mủn hoá bề mặt vật liệu như phần đối xứng, màu sắc tương tự phần đối xứng, không thay đổi.

Kết luận:

Bảo quản vật liệu tại di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn vẫn đang chịu sự tác động của thiên nhiên, thời gian và con người. Do đó, cần có sự tập trung nghiên cứu tổng thể để có giải pháp bảo quản đền tháp tốt hơn trong tình hình mới. Hiện tượng địa y, nấm mốc trên hiện vật, tường tháp, mũn hoá bề mặt… Ưu tiên công tác nghiên cứu gắn với thực nghiệm bảo quản vật liệu. Bên cạnh chất bảo quản mới, cần có sự quan tâm đến chất bảo quản tự nhiên, gần với người xưa. Tìm ra vật liệu phù hợp để khôi phục hiện trạng ban đầu, bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá của tự nhiên. Làm thế nào để những kiệt tác kiến trúc, điêu khắc này bảo tồn được những giá trị mang trong mình nó? Câu trả lời sẽ là những nổ lực của chính chúng ta, thế hệ ngày hôm nay phải giữ gìn bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Lê Văn Cường

Tài liệu Tham khảo:

1. Viện Bảo tồn Di tích (2008), Báo cáo tổng hợp đề tài: “Hợp tác nghiên cứu thực nghiệm về kỹ thuật và vật liệu xây dựng các kiến trúc Chăm khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)”, Hà Nội.

2.Kỷ yếu hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” năm 2015.

3.Hướng dẫn nghiên cứu khảo cổ và trùng tu Tháp Chăm (tài liệu được đúc kết kinh nghiệm từ dự án trùng tu nhóm tháp G ở Mỹ Sơn) năm 2010.

4.UNESCO, Báo cáo tổng kết dự án Bảo tồn Di sản thế giới Mỹ Sơn 2003-2013

5.Trần Bá Việt (chủ biên) (2007), Đền tháp Chawmpa - Bí ẩn xây dựng, Nxb Xây dựng Hà Nội, Hà Nội.

 

 

 

24 Tháng 2,2025

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.309 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Đặt vé online
Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo