SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG

SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG

SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG

SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG

SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG
SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG
SUY NGHĨ TRÊN NỀN NHỮNG DẤU TÍCH DỞ DANG

Hối tiếc chỉ là sự việc của con người xảy ra trong thời hiện tại khi có một thời điểm nào đó tâm hồn của họ chợt trôi về quá khứ. Họ tiếc cho những việc đã làm trong thời gian trước, suýt xoa với những cái mà theo họ không nên đánh mất, không nên xãy ra, không nên có. Những cái đó thật sự đã mất, đã xãy ra, đã có trong cuộc đời bây giờ ngồi hồi tưởng lại. Cảm giác tiếc nuối dâng lên từ trong sâu thẳm, bật ra thành tiếng nói:

 -Giá mà ngày ấy anh đừng nhút nhát quá, thì ngày nay ta đâu nhìn nhau như thế-

 -Giá mà bớt đi một chút muối món ăn này sẽ trở nên tuyệt hảo-

 -Giá mà cái mũi của Cleopatre dài thêm ra tí nữa thì ngai vàng của Cesar đâu phải ngã nghiêng.

 Biết bao nhiêu tiếc nuối ở đời này cho cái sự dở dang, cho mong muốn bất thành.

Những điều tiếc nuối ở trên hay nhiều hơn thế nữa, là những điều của mỗi con người trong đời sống riêng tư, những điều đã đi qua bây giờ ngồi hồi ức lại, gặm nhấm những gì thuộc về hương xưa, tìm trong đó chút dư vị, thấy tê tê nơi đầu môi khoé mắt mà thôi. Người ta chỉ không đủ lớn, không đủ khéo để nhìn vào mắt nhau, điều chỉnh cho vừa gia vị với cuộc đời hay những điều khác nữa. Nói chung người ta không chủ động tạo ra sự dở dang, sự không hoàn mỹ và chỉ nhận ra những điều như thế khi tất cả đã trở thành quá khứ.

Trên đây là vài điều của chúng ta, của những người hay nhân danh nhiều thứ, hay đổ lỗi cho điều này điều nọ, biện hộ cho sự mất mát, sự không thành của điều gì đó trong quá khứ, không bao giờ chịu nhận chúng ta không thể và không nhận ra các giới hạn của bản thân, không dám chấp nhận giới hạn đó.

Hãy chậm rãi bước quan sát và suy nghĩ để thấy những người nghệ sỹ quí tộc Hindu Chăm pa thời trung cổ nhận thức về giới hạn trong quá trình vươn tới sự hoàn thiện như thế nào và nó đã được thể hiện ra sao trong các tác phẩm còn lưu lại tại di sản Mỹ sơn ngày hôm nay. Hy vọng từ đây có thể hiểu được phần nào nỗ lực của họ trên hành trình khẳng định giá trị bản thân.

Mỗi một con người hay sự vật hiện tượng đều có ngưỡng của nó mà ta hay gọi là đỉnh, có cái lạ là thời nay người ta hay khen nhau một câu sáo rỗng và vô duyên: <đỉnh thật>, khen nhau như mà hại nhau, lên đến đỉnh rồi ngày mai sẽ đi về đâu.

Không có cái gì toàn vẹn cả là thông điệp mà các nhà quí tộc mỹ thuật Chăm pa để lại trên các tác phẩm của mình, họ thể hiện nó qua các mảng điêu khắc trên tường, trên các bức tượng, các phù điêu của đền tháp Mỹ sơn.

Không nhanh và cũng chẳng vội vàng, không nghe theo ai thúc dục cả dù đó là ông chúa thơ tình Xuân Diệu, cứ từ tốn mà đi, chậm rãi mà suy nghĩ và đừng bao giờ tự thị:” Ta là người còn sống, ta nói được, quá khứ là của những người đã chết họ không nói được nên cứ nói đại vài câu rồi bỏ đi cũng không sao”- Vì như vậy ta sẽ không bao giờ nhận được các thông điệp quá khứ để lại- Không có quá khứ thì làm sao nói chuyện tương lai, làm sao tiếp cận được Vishnu mà quỳ lạy. Vishnu lại có trong chân dung đức Phật- Khỏi đi chùa luôn, chấm dứt ngày đi Mỹ sơn đầy nắng của một tâm hồn khô hạn.

Không có công trình đền tháp nào không có các vết dở dang, khi thì một đoạn hoa văn dừng lại nữa chừng, khi thì một dãy tượng gạch lại xen vào một khối ở dạng phôi chưa tạc, khi thì đường viền đá lại lẫn vào một đoạn gạch như là thiếu vật liệu vậy.

Nếu chỉ là một vài điều như thế trên một quần thể kiến trúc kéo dài hàng nhiều thế kỷ, người quan sát có thể cho là hiện tượng đột biến trong đời sống hay chỉ là sai sót trong quá trình chế tác. Chuyện này rất khó xãy ra vì công việc được giám sát bởi quý tộc hoàng gia và đây là công trình của nhà vua, ông không tha thứ cho các sai sót lộ ra như thế đâu.

Không là một hiện tượng thì đây là sự thể hiện của một quan niệm, một triết lý sống của người quý tộc mỹ thuật và được người quý tộc cầm quyền chấp nhận. Họ sợ sự hoàn thiện vì họ nhận ra đi liền với nó là sự tự mãn, sự khủng hoảng và tuyệt vọng.

Khi sự trình bày đã đạt đỉnh, các lần trình bày sau luôn là nỗi thất vọng của người trình diễn, có thể sự thất vọng đó là triền miên, sau đó người nghệ sỹ có thể sa vào rượu, ma tuý hay các thứ khác để tìm lại cảm xúc nhưng hầu như không thành công, họ lâm vào cảnh tha hoá bản thân, sống lay lắt trên thành tựu quá khứ. Trên các công trình Hindu người nghệ sỹ quý tộc măc dù không bao giờ nghĩ tới tác phẩm của mình được tôn vinh là kiệt tác họ vẫn thể hiện quan niệm sống của mình một cách thô sơ: Chúng tôi là những người còn nhiều sai sót.

Lặng lẽ mà đi, khát thì lấy nước trong ba lô uống vài ngụm, đừng than khắc nghiệt vì vốn nó đã là thuộc tính của các nơi có đền Hindu thờ Shiva. Đi sẽ gặp thần đang múa.

 Điệu múa Vũ trụ. Với tám cánh tay ngài đang thể hiện quá trình hình thành và tàn lụi của vũ trụ trong chu kỳ sinh diệt hiển nhiên của nó.

Dừng lại ở đây nhưng đừng tựa vai vào tượng mà chụp hình, thần không thích kết bạn đâu, thần cần mọi người hiểu những điều thần muốn nói hơn. Muốn hiểu được nhau xin hãy đối diện nhau, nhìn thẳng vào nhau để thấy rõ những điều cần thấy, thấy những điều lâu nay tưởng bình thường nhưng hôm nay lại thấy lạ, những điều lâu nay vì quen quá nên bỏ qua bây giờ nhìn lại thì trời ơi ta chẳng hiểu. Không sao đâu, đừng bối rối, người sống bên cạnh bao nhiêu năm, ta còn nhìn không hết đến nỗi hàng xóm phải nhìn giùm huống hồ chi thần linh xa tít chín tầng mây.

Đối diện nhau để thấy bức tượng chia làm ba phần: Phần Thần- Phần Người và phần Con.

Phần thần chứa cánh tay cao nhất, thực hiện động tác chắp tay, lâu nay tưởng là bình thường nhưng bây giờ lại thấy người bình thường không làm được, đây không phải là động tác khó mà là động tác không thể, chỉ có thần mới thực hiện được, chỉ có thần mới làm được động tác cuối cùng theo chiều thăng hoa của vũ trụ, hết động tác này là con đường ngược lại, vũ trụ sẽ lụi tàn theo chiều đi xuống của những cánh tay, đôi tay cao nhất là đỉnh điểm chông chênh của chu kỳ thành tựu vì thần có làm được cũng không giữ cho tư thế này tồn tại vĩnh viễn. Đôi tay cuối cùng hoàn thiện bức tranh nhưng cũng đôi tay cuối cùng cũng nói lên rằng thời thăng hoa đã hết, người nghệ sỹ quí tộc hiểu rằng không chỉ mình không thể mà còn là không nên, hãy dừng lại để luôn là khát vọng. Khoảng trống đó là của thần, những dấu vết dở dang trên tường đền tháp là sự lễ phép cáo với thần linh: Thưa Shiva con đã hiễu.

Qua vết cắt thứ nhất là đến phần thứ hai, nơi chứa các cánh tay còn lại, các cánh tay này mô tả quá trình ra đời và phát triển của vũ trụ. Mỗi chúng ta đều nhận con người là một vĩ trụ thu nhỏ nên ở đây chính là quá trình sinh ra và lớn lên của một đời người, cánh tay cao nhất của phần này nằm dưới vết cắt phân chia nói lên giới hạn của một đời người trong quá trình hoàn thiện bản thân, kiếp này đến kiếp khác con người luôn nỗ lực để đạt các đỉnh cao mới, đỉnh cao sau luôn cao hơn đỉnh trước nhưng không bao giờ vượt được giới hạn để tới tuyệt đối, tuỳ theo mỗi một con người mà mức giới hạn có thể cao hay thấp và sau đó là quá trình đi xuống. Trong đời người sung sức nhất là ở tuổi thanh niên, họ háo hức vươn tới các đỉnh cao, hãy để họ sống với tinh thần háo hức đó, đừng đẩy họ lên chiếm lĩnh đỉnh cao, gây cho họ tính thoả mãn, khiêu ngạo không nên có, vô tình đẩy họ đi xuống trong khi họ còn có thể đi lên. Hãy mô tả thanh niên đang leo núi và đừng mô tả thanh niên cầm cờ đứng trên đỉnh núi.

Huyền thoại Hindu nói rằng thần Shiva có vợ và vợ ngài chính là hóa thân nữ của ngài, đây là sự kết hợp nói theo ngôn ngữ hiện đại là cặp đôi hoàn hảo, hai cái nữa tìm được nhau, một sự kết hợp đáng mơ ước. Khi hai vị muốn có con chư thần nhận ra rằng không thể để xảy ra như thế vì như thế sẽ sinh ra tuyệt đối, lúc đó vũ trụ sẽ nỗ tung.

Huyền thoại cũng cho biết gia đình Shiva có hai người con, người con đầu thần Shiva tự sinh bằng tinh dịch của mình mà không có sự kết hợp của vợ, người con thứ hai vợ ngài tự sinh bằng da chân của mình không có sự kết hợp của chồng. Như vậy để tránh tuyệt đối vợ chồng thần Shiva bằng năng lực thần linh của mình họ đã tự sinh con.

Ôi! Chúng ta, những con người trần tục, kêu gào tuyệt đối, hò hét, kéo nhau đi tìm cái nữa của mình. Nếu mà ta tìm được, ta đâu có năng lực tự sinh con. Phải chăng vì thế mà có nhiều gia đình tự nhận là hoàn hảo muốn có con mà không phạm giới hạn tuyệt đối họ phải nhờ tới hàng xóm.

Phần con, từ vết cắt thứ hai trở xuống đến cuối cùng, phần của bản năng, của cám dỗ và các nỗ lực để vượt qua. Từ búp sen của người đang quỳ cầu nguyện, ta nhận ra miên man các điều tốt đẹp rồi rùng mình nhận ra con rắn xấu mà thần đang cố kìm hảm có hai đầu cũng thể hiện bằng búp sen. Như vậy cái tốt ra đời thì cái xấu cũng sinh sôi, mơ về một xã hội không có xấu là điều hoang tưởng có điều khi ta kìm hảm được thì cái xấu sẽ bớt đi, hai đầu rắn bên thấp bên cao là như thế. Thật ghê gớm là ý thức không hoàn hảo vẫn theo các nghệ sỹ đến bức tượng này, hai búp sen hai bên chân của thần, một phía đã hoàn thành, một phía chưa là gì cả. Thần linh cũng không trọn vẹn, vẫn phải nỗ lực để vượt qua cám dỗ, thần Shiva cũng biết mình nóng lạnh thất thường, tu hành đòi hỏi quá nhiều khắc nghiệt làm chúng sinh khiếp sợ, thần cũng mê điều này ghét điều khác nên mỗi giây trôi qua là mỗi lần tu dưỡng. Thần làm được những điều phi thường mà con người không làm được và thần cũng có những điều xấu gây hại cho muôn kiếp sinh linh.

 Chúng ta là những con người và chỉ sinh ra các con người đầy sai sót, không ghép các tiêu chí của thần linh vào con người rồi đặt ra các yêu cầu không tưởng.

 Hãy sống thật nổ lực với kiếp người đầy khao khát của mình, mơ mộng chi tới cõi thần đầy hương khói để rồi ôm khối tình tan theo khói hương.

Sống và chấp nhận sự thiếu sót như là cái vốn có của cuộc đời rồi tìm cách giảm bớt các thiếu sót đó như người nghệ sỹ quí tộc xưa đã sống, đã sáng tác và đã làm nên một Mỹ sơn cho chúng ta ngày hôm nay. Có phải chăng chấp nhận thiếu sót của mình, của bạn, của mọi người, chúng ta sẽ có một cõi lòng nhẹ tênh, khi đó sự thăng hoa có cơ hội bay bổng, người nghệ sỹ ngồi lặng thinh sáng tác, ta thấy họ cô đơn mà họ lại không nhận ra vì họ đang sáng tạo. Hành trình sáng tạo là hành trình cô đơn và cô đơn là niềm kiêu hãnh chỉ riêng có của người đi tìm cái mới. Người nghệ sỹ của Mỹ sơn ngày xưa làm nên những công trình để đời trong trạng thái khép kín riêng biệt của một vòng tròn núi uy nghiêm và kiêu hãnh.

Lê Xuân Tiến

08 Tháng 12,2022

Chia sẽ mạng xã hội

Copyright © 2019 - Bản quyền thuộc về Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn

Giấy phép TTĐT: Số 02/GP - TTĐT - do sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/11/2023

Địa chỉ: Xã Duy Phú, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam - Email: mysonstr@gmail.com -Tel:0235.3731.361 - Website : www.disanvanhoamyson.vn

Designed by DA NANG WEB

Hotline tư vấn: 0235.3731.309
Zalo