Thánh địa Mỹ Sơn (thuộc thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng lớn nhất của người Chămpa trên vùng đất Nam Trung Bộ. Được hình thành từ cuối thế kỷ thứ IV dưới vương triều Bhadravarman I để thờ thần Shiva.. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII, người Chămpa đã xây dựng ở đây một hệ thống tháp, đền thờ phục vụ tín ngưỡng của mình. Toàn bộ di tích được xây dựng trong thung lũng hẹp Mỹ Sơn, phạm vi khoảng 4km2, chung quanh có núi non bao bọc như những dãy thành luỹ tự nhiên, nổi bật là ngọn núi thiêng Hòn Đền nằm ở phía Nam và sông thiêng Thu Bồn nằm ở phía Bắc. Trong giai đoạn lịch sử này, Mỹ Sơn với hệ thống đền tháp Ấn Độ giáo đồ sộ (trùng lặp) Tuy nhiên, từ thế kỷ XIII trở đi, khi kinh đô của người Chăm chuyển vào phía Nam, Mỹ Sơn cũng mất đi vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của vương quốc. Từ đó, di tích này ngày càng bị quên lãng, thêm vào đó là sự tác động của thiên nhiên đã ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo của Mỹ Sơn.
I. Hành trình khám phá và bảo tồn di sản Mỹ Sơn
1. Hành trình khá phá di sản Mỹ Sơn
Sau hơn 4 thế kỷ trong tình trạng hoang phế, năm 1895 di tích này được học giả Camille Paris phát hiện ra. Đến năm 1898, các nhà nghiên cứu Louis de Finot và Launet de Lajonquière đã nghiên cứu về văn bia còn lưu trữ ở đây. Từ năm 1903-1904, Mỹ Sơn được H. Parmentier và Carpeaux tổ chức khai quật khảo cổ, nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ về di tích này. Kết quả của quá trình trên đã làm xuất lộ 72 tháp, đền thờ và kiến trúc phụ thuộc khác được các nhà nghiên cứu người Pháp chia thành 13 khu tháp theo kí tự la tinh A, B, C… N. Trong đó khu tháp B-C-D có 27 công trình, khu tháp A, A’ gồm 17 kiến trúc, khu E, F có 12 kiến trúc, nhóm tháp G có 5 kiến trúc, nhóm H có 4 kiến trúc, nhóm tháp K có 1 kiến trúc, nhóm tháp L, N mỗi nơi 1 kiến trúc.
Năm 1969, bom Mỹ đã tàn phá và làm biến dạng nghiêm trọng bộ mặt của Mỹ Sơn. Trong cuộc tấn công này, nhiều đền tháp bị đánh sập, điển hình là tháp A1 cao 24m – một kiệt tác trong kiến trúc Chămpa ở Mỹ
Sơn. Hiện nay, toàn bộ di tích chỉ còn khoảng 20 đền tháp, tập trung chủ yếu ở các khu tháp B, C, D.
2. Quá trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn
a. Quá trình bảo tồn, tôn tạo di sản Mỹ Sơn
Sau ngày đất nước thống nhất, việc nghiên cứu và bảo tồn các di tích, di sản được Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương chú trọng. Ở Mỹ Sơn nói riêng, nghiên cứu, trùng tu đã trải qua nhiều giai đoạn; trong đó chương trình hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan gắn liền với kiến trúc sư tài ba Kazimierz Kwiatkowski (thường được gọi tắt là Kazik). Nhờ sự hoạt động không mệt mỏi và quên mình của ông và nhóm hợp tác, nhiều kiến trúc ở Mỹ Sơn đã được bảo tồn, trùng tu một cách khoa học. Có thể nói, từ năm 1980-1994, kiến trúc sư Kazik cùng nhóm của mình đã có công lớn khôi phục diện mạo di tích này từ đống đổ nát. Sự cố gắng không mệt mỏi của Ban quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn, của cộng đồng quốc tế đã được đền đáp, ngày 4 tháng 12 năm 1999, Mỹ Sơn đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2022, việc nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu di tích ở Mỹ Sơn đã có nhiều thành tựu mới nhờ vào các chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Ý, Việt Nam - Ấn Độ.
Từ những năm 1997 đến năm 2000, các chuyên gia Italia đã khảo sát, đánh giá điều kiện địa vật lý, địa chất, thủy văn, thực trạng bảo tồn của khu di tích, đặc biệt là các nghiên cứu khám phá về gạch xây, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng gốc. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, Chính phủ Ýđã tài trợ kinh phí, với sự bảo trợ của UNESCO, triển khai dự án “Bảo vệ Di sản thế giới Mỹ Sơn - Thuyết trình và Tập huấn ứng dụng Các chuẩn mực quốc tế trong trùng tu tại Nhóm tháp G - khu di tích Mỹ Sơn”. Cùng với nghiên cứu và phát lộ khảo cổ học trên diện tích hơn 1.800m2, hơn 3.000 hiện vật khảo cổ và mảnh vỡ kiến trúc đã được thống kê, phân loại, các phế tích kiến trúc ở nhóm tháp G đã được tu bổ, gia cố bền vững. Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện Bảo tồn di tích, triển khai Dự án trùng tu bảo tồn tháp E7, một trong số các kiến trúc Kosagrha có mái cong hình thuyền còn nguyên vẹn nhất về hình dáng kiến trúc. Dự án này là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính.
Trong những năm 2017 – 2022, các chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp với Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn đã tiến hành khai quật khảo cổ và trùng tu nhóm tháp H, K, A. Giai đoạn này, đã phát hiện 740 hiện vật quan
trọng, đặc sắc của nên điêu khắc Chămpa phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu của nền văn hoá này.
b. Phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn
Song song với những thành tựu trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn cũng đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất, dịch vụ và lễ hội để phát triển hoạt động du lịch tại khu di sản. Điển hình như dự án Xây dựng Nhà trưng bày, nghiên cứu giới thiệu Mỹ Sơn do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ. Cùng với đó là các lễ hội như: “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, trình diễn loại hình múa văn hoá dân giancủa người Chăm, trải nghiệm thực tế ảo 3600, du lịch sinh thái… Điều đó đã mang lại những kết quả to lớn, lượng du khách đến với Mỹ Sơn gia tăng theo từng năm kéo theo sự gia tăng doanh thu từ hoạt động du lịch. Theo thống kê năm 2023, tổng lượng khách tham quan Mỹ Sơn đạt 380 nghìn lượt, tăng 344% so với năm 2022; trong đó khách nước ngoài đạt 335 nghìn lượt, tăng 500%. Tổng doanh thu đạt 60,3 tỷ đồng, tăng 360% so với năm 2022.
II. Định hướng phát triển du lịch cho di sản Mỹ Sơn
Dù có được những thành tựu to lớn kể trên, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung cần nhìn nhận những thuận lợi và khó khăn để có những định hướng phát triển du lịch phù hợp trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng đến nâng cấp hạ tầng du lịch, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, xây dựng các lễ hội, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế…
1. Những thuận lợi và khó khăn
Trong thời gian phát triển vừa qua, tỉnh Quảng Nam nói chung và Di sản Mỹ Sơn nói riêng có nhiều điểm thuận lợi như:
- Người dân thân thiện, mến khách, luôn ủng hộ những chủ trương phát triển du lịch của tỉnh nhà; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều chủ trương đúng đắn để phát triển du lịch của địa phương.
- Quảng Nam sở hữu 02 di sản nổi tiếng là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn đã được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao về giá trị văn hoá, lịch sử và du lịch. Ngoài ra, Quảng Nam còn có thành phố Tam Kỳ hiện đại, có biển Cửa Đại xinh đẹp, có Cù Lao Chàm mang vẻ đẹp hoang sơ, ẩm thực phong phú và đặc sắc; tất cả những yếu tố đó kết hợp lại là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cho tỉnh nhà.
- Một điểm thuận lợi khác đó là Quảng Nam nằm trên con đường di sản miền Trung kết nối các di sản Mỹ Sơn – Hội An – Quần thể di tích cố đô Huế - Phong Nha – Kẻ Bàng. Sự liên kết đó góp phần hỗ trợ cho nhau trong, chia sẽ khách du lịch cùng nhau trong hành trình di sản. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra một vấn đề là cạnh tranh nhau trong thu hút du khách.
- Một thuận lợi nữa là di sản Mỹ Sơn và Hội An là thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới, điều đó thu hút lượng du khách trong và ngoài nước đến với 02 di sản này.
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, vấn đề phát triển du lịch của di sản Mỹ Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam cũng gặp một số khó khăn sau:
- Như phần trên đã trên bày, Mỹ Sơn nằm trên con đường di sản miền Trung, vừa có sự tương hỗ lại vừa có sự cạnh tranh ngày càng cao giữa những di sản này.
- Mặc dù hàng năm, hoạt động du lịch tại di sản Mỹ Sơn ngày càng phát triển, lượng du khách đến càng đông nhưng cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng. Điều đó đã ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp không khói của di sản này.
- Khó khăn cuối cùng cũng là khó khăn chung của các tỉnh thuộc khúc ruột miền Trung, đó là thời tiết mưa bão kéo dài từ tháng 9 âm lịch đến gần cuối năm. Khó khăn đó, buộc mỗi tỉnh phải có những định hướng phát triển du lịch riêng trong mùa này.
2. Định hướng phát triển
Với khoảng 70 công trình kiến trúc lớn nhỏ, Mỹ Sơn là di sản mang nhiều giá trị cao về lịch sử, văn hoá, kiến trúc… Trong thời gian tới, Ban quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn cần tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo di tích. Trong đó, lấy công tác khảo cổ học làm nền tảng để phát hiện những kiến trúc còn ẩn mình trong lòng đất. Nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng, làm tốt công tác bảo tồn sẽ tạo điều kiện cho việc phát huy giá trị di sản được thuận lợi. Song song với đó, đơn vị chủ quản cũng cần tuyên tuyền, quảng bá rộng rãi về di sản qua các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Mỹ Sơn.
Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, Ban quản lý Di sản văn hoá Mỹ Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung cần xây dựng ở rộng hệ thống điện đường, nhà hàng khách sạn, bãi đỗ xe, trạm sạc điện, đặc sản địa phương, ẩm thực… Làm tốt công tác này không chỉ góp phần vào việc thu hút du khách mà còn tăng thêm sức hấp dẫn của di sản, góp phần đưa du khách trở lại Mỹ Sơn nhiều lần.
Một xu hướng đang phổ biến trên thế giới mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, đó chính là du lịch xanh. Du lịch xanh ở đây phải là tổng hoà của nhiều giải pháp khác nhau như: hạn chế tối đa rác thải ở khu di sản, đặc biệt biệt là rác nhựa dùng một lần. Về vấn đề này, cần có hệ thống thu gom, phân loại và xử lý rác; sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường. Sử dụng các phương tiện giao thông ít phát thải như xe đạp, xe điện phục vụ du khách đến trải nghiệm di sản. Bên cạnh đó, cung cần xây dựng không gian cảnh quan xanh, đẹp ở di sản như kết hợp trồng cây lâu năm bản địa với trồng hoa tạo thành những cảnh quan đẹp ở vùng đệm của Mỹ Sơn. Ngoài ra, chúng ta có thể kết hợp 2 loại hình du lịch di sản với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển các cơ sở vật chất bên ngoài khu di sản cho loại hình du lịch sinh thái.
Trong giai đoạn hiện nay, phát triển du lịch cần phải có sự chú trọng đến đa dạng hoá thị trường du khách. Bên cạnh các thị trường truyền thống như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, Đông Nam Á, Quảng Nam cần chú trọng hơn nữa đến du khách đến từ Trung Đông và Ấn Độ. Trung Đông là nơi tập trung của nhiều quốc gia giàu có, có nền văn hoá tương đồng, họ chi tiêu nhiều trong mỗi chuyến du lịch. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất, kinh tế của họ ngày càng phát triển với người giàu ngày càng nhiều sẽ là nguồn du khách quan trọng trong tương lai. Vấn đề là chúng ta cần tiếp cận các thị trường này qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Mỹ Sơn đến các quốc gia này. Một điều khó khăn khi đón du khách ở các thị trường này, đó là nghiên cứu về văn hoá, ẩm thực của họ để xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn cho phù hợp.
Trong vấn đề phát triển du lịch ở Mỹ Sơn, khai thác những giá trị của lễ hội, trải nghiệm văn hoá Chăm là yếu tố quan trọng trong thu hút khách du lịch. Lễ hội ở đây cần hiểu theo hai loại hình, đó là lễ hội truyền thống và lễ hội mới. Như chúng ta đã biết, con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hoá; con người vừa sáng tạo ra và cũng là đối tượng hưởng thụ các giá trị văn hoá. Hiện nay, Ban quản lý Di sản văn hoá Mỹ Sơn đã xây dựng thành công nhiều sản phẩm du lịch như: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, tham quan thực tế ảo 360; du lịch sinh thái rừng cảnh quan khu di sản, trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm, cho du khách thuê trang phục dân gian… Tuy nhiên trong thời gian tới, địa phương cần nghiên cứu xây dựng những lễ hội mang tầm vóc lớn, có tính quốc tế để vừa quảng bá về di sản và vừa thu hút du khách.
Như chúng ta đã biết, khu di sản Mỹ Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung có thiên nhiên đẹp, có di sản mang giá trị lịch sử văn hoá cao, thuận tiện cho việc phát triển các lễ hội văn hoá. Trong giới hạn bài viết của mình, tôi xin đề xuất 02 lễ hội có thể tổ chức tốt ở Mỹ Sơn đó là lễ hội khinh khí cầu và lễ hội trình diễn Drone. Trong quá trình tổ chức, cần mời được càng nhiều đoàn nổi tiếng của quốc tế càng tốt. Bởi vì, chính họ khi tham gia sẽ là những đại sứ giới thiệu về Mỹ Sơn cho bạn bè quốc tế. Về lễ hội Khinh khí cầu, chúng ta tập trung vào 2 hạng mục là trình diễn cũng như phục vụ du khách và ngao du khám phá di sản cùng đồng quê, đồi núi của Quảng Nam.
Về lễ hội trình diễn Drone, đây là một loại hình mới, chưa phổ biến trên thế giới và hoàn toàn có khả năng tổ chức thành công ở Mỹ Sơn, lấy di sản làm không gian trình diễn. Về nội dung trình diễn, chúng ta nên chú trọng đến 3 hạng mục sau: tổ chức vòng đua Drone quanh khu di sản, tổ chức cuộc thi trình diễn kỹ năng điều khiển, cuối cùng và quan trọng nhất đó là màn trình diễn ánh sáng của Drone trên không gian di sản. Trong đó, các đội sẽ trình diễn các chủ đề về văn hoá của riêng mình. Ngày nay, khi mà pháo hoa được cho là gây ô nhiễm môi trường, nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang trình diễn ánh sáng bằng Drone thì việc tổ chức lễ hội này sẽ có nhiều đội tham gia. Vẫn biết tổ chức một lễ hội mới là rất khó khăn và tốn kém, tuy nhiên nếu tổ chức thành công lễ hội mới này trong vài năm đầu sẽ tạo ra thương hiệu lễ hội riêng của Mỹ Sơn nói riêng và Quảng Nam nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị Mai An, “Dấu ấn Mỹ Sơn – Trà Kiệu trong hệ giá trị của vùng đất Duy Xuyên” trong Hội thảo Khoa học quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc”.
2. Mạnh Cường, “Hồi sinh nhiều nhóm tháp cổ ở Mỹ Sơn”, báo thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/hoi-sinh-nhieu-nhom-thap-co-o-my-son-1851533865.htm
3. Lê Đình Phụng, Mỹ Sơn trong tổng thể di tích văn hoá Champa, t/c Văn hoá Nghệ thuật số năm 1998.
4. Trần Văn Tâm, Những yếu tố để Mỹ Sơn trở thành thánh địa của vương quốc Chămpa, t/c Kiến trúc số 6 năm 2016.
25 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT VÀ SẢN PHẨM DU LỊCH TẠI ĐIỂM ĐẾN DI SẢN MỸ SƠN (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC BẢO QUẢN VẬT LIỆU Ở DI SẢN VĂN HOÁ THẾ GIỚI MỸ SƠN (24.02.2025)