Được biết đến là mảnh đất mang nét đặc trưng về sự tồn tại lâu đời, kế thừa và giao thoa giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Duy Xuyên có đặc điểm vị trí địa lý, cấu trúc địa chất, địa hình địa mạo khá đa dạng, tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Là vùng đất nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện có 54 di tích, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 05 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh, trong đó tiêu biểu là Khu di tích đền tháp Chămpa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1999.
Di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy truyền thống tốt đẹp, thanh niên Duy Xuyên với vị trí là thế hệ kế thừa, phát huy đã luôn tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và của Huyện Duy Xuyên nói riêng. Trong những năm qua, công tác Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa được các cấp bộ Đoàn trong toàn Huyện triển khai bằng nhiều chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực. Nổi bật là công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống như tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, các cuộc thi vlog, các cuộc thi viết, thi trực tuyến, vẽ tranh, và sưu tầm tư liệu tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử để tạo bảng mã QR phục vụ du lịch, ra quân “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật Xanh”, trồng mới nhiều cây Xanh, chỉnh trang, làm sạch và đẹp nhiều điểm Di tích trên toàn Huyện, hoạt động “Mầm xanh trong lòng Di sản”, tổ chức Hội Trại Hành trình Di sản năm 2019 nhân kỷ niệm 20 năm ngày Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và các hoạt động mang đậm màu sắc thanh niên nhân ngày Di sản Việt Nam 23.11, … các trường học trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức cho học sinh trên địa bàn Huyện về thăm quan Di sản Mỹ Sơn và các di tích khác, thành lập đội hình Hướng dẫn viên tình nguyện năng động, hiểu biết rõ về văn hóa đặc trưng của Huyện. Chính điều này đã góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, tạo ấn tượng đẹp cho bạn bè, du khách gần xa khi đặt chân đến vùng đất Duy Xuyên tươi đẹp và giàu văn hóa này.
Là một bộ phận của thanh niên Duy Xuyên góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của Huyện nhà, Thanh niên Mỹ Sơn là lực lượng không thể thiếu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung và DSVH Mỹ Sơn nói riêng. Thông qua các hoạt động nêu trên, thanh niên xem đây là cơ hội kết nối để tuyên truyền giá trị của những địa điểm lịch sử, văn hóa cận vùng di sản và trên địa bàn toàn Huyện đến với cộng đồng và khách tham quan trong và ngoài nước. Đoàn viên thanh niên cũng tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia và học hỏi các đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc tại Mỹ Sơn. Hoạt động thuyết minh trực tuyến đã được các bạn trẻ BQL thực hiện trong khoảng thời gian đại dịch diễn ra căng thẳng mà du khách không thể đi tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa. Đây cũng là lực lượng tích cực tham gia vào công tác quảng bá, xúc tiến, tham mưu hiệu quả việc áp dụng công tác chuyển đổi số vào các hoạt động du lịch tại Khu di sản văn thế giới Mỹ Sơn. Đồng thời, thanh niên Mỹ Sơn đồng hành cùng với các xã, các trường học trên địa bàn Huyện đưa nội dung giáo dục Giá trị di sản, bảo tàng đến thế hệ thanh thiếu nhi, mà trọng tâm là học sinh trong trường học; phối hợp với các đội hình thanh niên tình nguyện, đội hình hướng dẫn viên tình nguyện huyện Duy Xuyên tham gia bảo vệ môi trường, giáo dục giá trị văn hóa, qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh thiếu nhi về bảo vệ môi trường và công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trên địa bàn Huyện. Từ đó, tạo động lực cho phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ Mỹ Sơn nói riêng và đoàn viên thanh niên toàn Huyện Duy Xuyên nói chung.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực, các cấp bộ Đoàn và thế hệ trẻ cần thấy được vai trò và nhiệm vụ quan trọng của mình. Duy trì các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn huyện, đồng thời chú trọng công tác giáo dục di sản trong học đường trở thành nhiệm vụ mang tính cấp thiết, thường xuyên. Phát huy và nâng cao chất lượng các đội hình thanh niên tình nguyện cả về số lượng lẫn chất lượng đảm bảo công tác bảo vệ môi trường Xanh- sạch- đẹp tại các điểm di tích trên toàn Huyện, gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản với thực hiện nhiệm vụ chính trị- xã hội của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tổ chức và vận động thanh niên đảm nhận các công trình, phần việc gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một việc tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, xây dựng hình mẫu "Công dân trẻ Duy Xuyên với Di sản văn hóa", hướng tới mỗi thanh niên sẽ là một “Đại sứ văn hóa” nhằm quảng bá hình ảnh, giá trị Di sản văn hóa của Huyện Duy Xuyên đối với bạn bè trong nước và Quốc tế, và đảm bảo thực hiện đúng tinh thần quyết tâm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của Huyện Duy Xuyên theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Huyện Duy Xuyên nhiệm kỳ 2020-2025. Dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, trên cơ sở bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị của Di sản văn hóa, Thanh niên cần thường xuyên trao dồi kiến thức, nâng cao văn hóa đọc, thường xuyên tìm hiểu về lịch sử dân tộc, để có thể tự hào, và tự tin trình bày với bạn bè các nước về lịch sử, văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung và Huyện Duy Xuyên nói riêng, đặc biệt là niềm tự hào về những di sản đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đó thật sự là những di sản không phải của riêng người dân Việt Nam mà trở thành di sản chung của cả nhân loại cần được gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền cho muôn đời sau.
Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” về “bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam” – Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn Di sản Văn hóa dân tộc. Năm 2001, Luật Di sản Văn hóa ra đời, là căn cứ pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các tổ chức, các nhân trong nước và nước ngoài được khuyến khích đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa. Và vào ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Tất cả điều đó đều thể hiện rõ vị trí quan trọng của Di sản văn hóa và cần thiết phải được bảo vệ, giữ gìn và phát huy bởi mọi tầng lớp Nhân dân mà thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt.
Đảng, Nhà nước và Bác Hồ luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ là mầm xanh của đất nước, là lực lượng quan trọng trong công cuộc “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của dân tộc”. Vì vậy, thanh niên cần thấy được vai trò và trách nhiệm quan trọng và thật sự cần thiết của mình trong nhiệm vụ này. Thanh niên bằng những hành động thiết thực và hiệu quả, nêu cao tinh thần “Khát vọng, tiên phong, bản lĩnh, sáng tạo”, mang trong mình lòng tự hào và tự tôn dân tộc, cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong lòng Duy Xuyên, tin tưởng rằng công tác Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản sẽ được thanh niên Duy Xuyên tiếp tục đẩy mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đưa di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong hoạt động du lịch, và là tiềm năng thúc đẩy du lịch của Huyện nhà ngày càng phát triển.
Hoàng Oanh
27 Tháng 11,2023
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- TRAO GIẢI CUỘC THI REVIEW DU LỊCH MỸ SƠN (22.11.2024)
- Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và công ty Kumagai Gumi Nhật Bản hỗ trợ kiểm tra, tư vấn về bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo cháy tại Bảo tàng Mỹ Sơn. (19.11.2024)
- Vũ điệu Chăm ở thung lũng Mỹ Sơn (12.11.2024)
- Đưa sản phẩm xe đạp vào phục vụ du khách (06.11.2024)
- PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI MỸ SƠN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN – KẾT NỐI DU LỊCH XANH (05.11.2024)