Bên cạnh công tác bảo tồn, các hoạt động phát huy giá trị Khu đền tháp rất được chú trọng trong thời gian qua. Công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch tại điểm Mỹ Sơn ngày càng đáp ứng nhu cầu của du khách, hình thành địa điểm tham quan mang tầm vóc khu vực. Trong đó, nhiều sản phẩm chất lượng có sức hút lớn đối với du khách, nhiều loại hình du lịch mới lần đầu được đưa vào khai thác phù hợp với đặc điểm không gian văn hóa khu di sản Mỹ Sơn.

Có thể nói, để các sản phẩm này phát triển, du lịch Mỹ Sơn đã có quá trình thử nghiệm, chọn lọc để biến một điểm đến còn nghèo nàn thành một điểm đến có sức hút du khách như hiện nay. Từ công tác bảo tồn làm tốt việc gìn giữ di tích, cảnh quan không gian đã góp phần ổn định phát triển sản phẩm du lịch chính tại Mỹ Sơn là du lịch tham quan khu đền tháp, tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Mỹ Sơn. Đặc biệt, việc trùng tu tôn tạo hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế đã khôi phục nhiều công trình sụp đổ, phát hiện nhiều hiện vật mới, tạo thêm sản phẩm, mở rộng không gian tham quan, tăng trải nghiệm. Bên cạnh di tích, cảnh quan không gian được gìn giữ tốt, bảo tồn và phát huy hệ động thực vật, hệ sinh thái rừng tự nhiên đã góp phần mở rộng đối tượng tham quan tìm hiểu của du khách về loại hình du lịch văn hóa kết hợp sinh thái tại khu di tích Mỹ Sơn.
Song song với sản phẩm tham quan khu đền tháp, sản phẩm du lịch thưởng thức các giá trị văn hóa phi vật thể hiện nay tại Mỹ Sơn đã trở thành thương hiệu lan tỏa thu hút nhiều du khách lựa chọn. Sản phẩm trình diễn nghệ thuật dân gian Chăm là loại hình du lịch kết hợp giữa vật thể và phi vật thể hiện nay được nhiều khu điểm du lịch khai thác. Tuy nhiên, tại Mỹ Sơn sự kết hợp này rất thành công và hiệu quả. Không chỉ diễn ra trong sản phẩm điểm đến mà thành công trên các lĩnh vực quảng bá, thông tin, kết nối tour tuyến. Đặc biệt các sản phẩm này đã trở thành hương vị chính trong các sản phẩm lễ hội góp phần làm nên thương hiệu di sản Mỹ Sơn - Champa độc đáo, có sức lan tỏa trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm mang tính phục vụ, hỗ trợ ngày càng đa dạng tại Khu di tích. Trong những năm qua Ban đã chú trọng vào phát triển các sản phẩm này nhằm nhu cầu thiết yếu của du khách. Ngoài các sản phẩm như bán hàng dịch vụ, thuyết minh di tích, Ban đã đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch hiện đại, thân thiện với môi trường như trung chuyển xe điện, chụp hình trên vé tham quan, tham quan bảo tàng Mỹ Sơn, trình diễn dệt thổ cẩm Chăm, tạo điểm check-in mới... Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại như bến bãi, đường nội bộ, vệ sinh môi trường, kết nối thông tin, các dịch vụ hỗ trợ khác trong thanh toán, thủ tục hành chính cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên tại đơn vị.
Để các sản phẩm này đến du khách, Ban đẩy mạnh tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với các loại hình truyền thống và hiện đại như các bảng biểu trực quan ở những địa điểm quan trọng, trên hệ thống thông tin mạng xã hội, thông qua website, trang fanpage của đơn vị, đồng thời thực hiện tốt việc kết nối thông tin đến hiệp hội du lịch, hướng dẫn viên, câu lạc bộ di sản, tổ chức họp mặt các doanh nghiệp, báo đài thường niên.
Những kết quả đạt được đã tạo nên thương hiệu du lịch Mỹ Sơn trên bản đồ thế giới, trong nước và khu vực. Tuy nhiên, do những đặc thù về không gian văn hóa của Khu di tích nên có những khó khăn trở ngại nhất định trong xây dựng sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật điểm đến. Quy hoạch tổng thể giai đoạn 2008-2020, định hướng 2025 không chú trọng bố trí không gian phát triển dịch vụ du lịch cho nên việc ưu tiên xây dựng hạ tầng cho các hoạt động dịch vụ trở nên chật hẹp. Vùng đệm nằm trong quy hoạch có diện tích nhỏ hẹp nên qua quá trình phát triển đã không còn chổ cho phát triển sản phẩm mới.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ BQL DSVH Mỹ Sơn khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Quản lý đã xúc tiến xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Mỹ Sơn, trong đó sẽ hình thành những sản phẩm mới bao gồm loại hình du lịch văn hóa kết hợp giải trí, đi cùng là việc mở rộng không gian dịch vụ bên ngoài khu di tích, phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến Mỹ Sơn thời giạn qua. Việc du lịch Việt Nam nói chung và Mỹ Sơn nói riêng bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh thì hậu quả hết sức lâu dài, tuy nhiên đối với điểm du lịch thu hút phần lớn khách nước ngoài như Mỹ Sơn đã tác động trực tiếp đến nguồn thu đơn vị, ảnh hưởng đến việc thay đổi sản phẩm, đầu tư hạ tầng. Trước tình hình đó, Ban Quản lý định hướng trước mắt tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh công tác điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050, đồng thời dự báo tình hình khách trở lại để có các giải pháp như xúc tiến quảng bá, xây dựng các sản phẩm phù hợp. Về sản phẩm du lịch trong thời gian tới Ban sẽ chú trọng phát triển sản phẩm có tính bền vững, sản phẩm góp phần cân đối nguồn khách. Tránh quá tác động do yếu tố khách quan, hay phụ thuộc đối tượng là khách nước ngoài. Một số định hướng và giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, Ban Quản lý sẽ tập trung ổn định các sản phẩm hiện có, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng. Trước hết là sản phẩm văn hóa phi vật thể biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm sẽ được quan tâm nâng cao chất lượng bao gồm thay đổi, bổ sung các tiết mục mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chú trọng đầu tư trang thiết bị. Xây dựng mới không gian biểu diễn theo hướng đa dụng, đa chức năng.
Thứ hai, xây dựng sản phẩm mới, chất lượng theo hướng hiện đại phù hợp với điều kiện không gian văn hóa Mỹ Sơn. Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch khu vực Khe Thẻ - Thạch Bàn để phát triển các sản phẩm như múa rối nước, nhạc nước tái hiện văn hóa Champa. Những sản phẩm kỳ vọng thu hút lượng khách Việt, góp phần cân đối cơ cấu khách hiện nay tại Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, khai thác các thế mạnh tiềm năng tại khu di sản như cảnh quan không gian rừng tự nhiên nhằm tăng trải nghiệm, phát triển loại hình du lịch bảo tồn sinh thái gắn với sinh kế cộng đồng. Từng bước chú trọng loại hình du lịch tâm linh gắn với đối tượng khách đến từ các casino, khách khu du lịch Nam Hội An.
Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng thông qua các hình thức hỗ trợ như tiêu thụ sản phẩm địa phương, tìm kiếm liên kết mô hình chính quyền, người dân địa phương - công ty, doanh nghiệp du lịch - đơn vị quản lý điểm đến. Hình thành các tuyến điểm kết nối các di tích, danh thắng xung quanh.
Thứ tư, tạo ra các sản phẩm du lịch về đêm mang đậm nét lịch sử, gắn chặt với văn hóa riêng có, tạo ra sự độc đáo để giữ chân du khách như sản phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, ẩm thực đêm Mỹ Sơn… xem đây là sản phẩm quan trọng sau đại dịch để kích cầu du lịch thu hút khách quay trở lại. Hướng tới là sản phẩm mới lạ, sản phẩm độc đáo trong các tour, tuyến của các công ty, doanh nghiệp du lịch. Đồng thời là sản phẩm chủ lực về đêm để thu hút khách lưu trú, lan tỏa du lịch đến vùng xung quanh.
Cùng với việc xây dựng sản phẩm, Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn sẽ tập trung công tác đầu tư cơ sở vật chất điểm đến, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến quảng bá, phục vụ nhu cầu du khách như áp dụng các ứng dụng thuyết minh thông minh đa ngôn ngữ, mô hình số hóa dưới dạng 3D đối các khu tháp và hiện vật quý tại bảo tàng, hệ thống web du lịch thực tế ảo 360, camera giám sát để đảm bảo an toàn cho du khách…
Nghị quyết Đảng bộ BQL DSVH Mỹ Sơn khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 với những định hướng, giải pháp quan trọng, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch là một trong 3 trụ cột hiện nay. Qua quá trình triển khai thực hiện đây là những định hướng đúng và phù hợp, tạo ra nhiều cơ hội để những sản phẩm tại khu di sản phát triển hiệu quả. Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn sẽ tập trung làm tốt các nhóm giải pháp, tăng cường phát triển sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật điểm đến Mỹ Sơn để cùng với chính quyền, nhân dân thực hiện được những mục tiêu tốt đẹp đã đề ra.
Văn Thị Cẩm Tú
Phó Giám đốc BQL DSVH Mỹ Sơn
25 Tháng 2,2025
Chia sẽ mạng xã hội
- 25 NĂM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (02.12.2024)
- THÁNH ĐỊA MỸ SƠN, TỪ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN CHO ĐẾN NAY. (25.02.2025)
- Điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản (25.02.2025)
- KẾT QUẢ PHÁT LỘ ĐỀN A10, NHÓM A KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- BẢO VẬT QUỐC GIA ĐÀI THỜ MỸ SƠN A10 TẠI KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN (25.02.2025)
- NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG CÔNG TÁC BẢO QUẢN VẬT LIỆU Ở DI SẢN VĂN HOÁ THẾ GIỚI MỸ SƠN (24.02.2025)